Quy định về cơ quan thực hiện chức năng nhà chức trách hàng không?
- Cơ quan nào thực hiện chức năng nhà chức trách hàng không?
- Nhiệm vụ, quyền hạn của nhà chức trách hàng không về ban hành chỉ thị trong hoạt động hàng không dân dụng?
- Nhiệm vụ, quyền hạn của nhà chức trách hàng không về tổ chức, vận hành và chỉ đạo hệ thống giám sát, quản lý an toàn hàng không, an ninh hàng không?
Cơ quan nào thực hiện chức năng nhà chức trách hàng không?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 66/2015/NĐ-CP có quy định về cơ quan thực hiện chức năng nhà chức trách hàng không như sau:
Cơ quan thực hiện chức năng nhà chức trách hàng không
1. Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Nhà chức trách hàng không, trực tiếp thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà chức trách hàng không theo quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, Nhà chức trách hàng không sử dụng con dấu có hình quốc huy của Cục Hàng không Việt Nam; sử dụng tên giao dịch quốc tế của Cục Hàng không Việt Nam là “Civil Aviation Authority of Vietnam”.
Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Nhà chức trách hàng không.
Quy định về cơ quan thực hiện chức năng nhà chức trách hàng không? (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ, quyền hạn của nhà chức trách hàng không về ban hành chỉ thị trong hoạt động hàng không dân dụng?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 66/2015/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn của nhà chức trách hàng không về ban hành chỉ thị, huấn lệnh và thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong hoạt động hàng không dân dụng như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của nhà chức trách hàng không về ban hành chỉ thị, huấn lệnh và thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong hoạt động hàng không dân dụng
1. Ban hành chỉ thị, huấn lệnh để đảm bảo việc tuân thủ các quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không và duy trì hoạt động đồng bộ của dây chuyền vận chuyển hàng không trong các hoạt động sau đây:
a) Khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay;
b) Khai thác cảng hàng không, sân bay;
c) Bảo đảm hoạt động bay;
d) Vận chuyển hàng không;
đ) Hoạt động hàng không chung.
2. Thực hiện các biện pháp khẩn cấp, bao gồm:
a) Quyết định việc tạm ngừng hoạt động bay tại sân bay trong trường hợp cần thiết vì lý do thiên tai hoặc khẩn nguy sân bay;
b) Đình chỉ hoạt động của người khai thác tàu bay, cơ sở cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không; đình chỉ chuyến bay; đình chỉ hoạt động của tàu bay, phương tiện, thiết bị chuyên ngành hàng không trong trường hợp uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không;
c) Đình chỉ hoạt động của nhân viên hàng không trong trường hợp vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không hoặc cản trở hoạt động giao thông hàng không;
d) Chỉ đạo các đơn vị ngành hàng không thực hiện các biện pháp khẩn cấp khác để phục vụ quốc phòng, an ninh, khẩn nguy quốc gia.
3. Kiểm soát việc đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay của Cảng vụ hàng không; triển khai quyết định đóng cảng hàng không, sân bay của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhà chức trách hàng không ban hành chỉ thị, huấn lệnh để đảm bảo việc tuân thủ các quy định về an toàn, an ninh và duy trì hoạt động đồng bộ của dây chuyền vận chuyển hàng không trong các hoạt động khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay; Khai thác cảng hàng không, sân bay; Bảo đảm hoạt động bay; Vận chuyển hàng không; Hoạt động hàng không chung.
Nhiệm vụ, quyền hạn của nhà chức trách hàng không về tổ chức, vận hành và chỉ đạo hệ thống giám sát, quản lý an toàn hàng không, an ninh hàng không?
Tại Điều 7 Nghị định 66/2015/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn của nhà chức trách hàng không về tổ chức, vận hành và chỉ đạo hệ thống giám sát, quản lý an toàn hàng không, an ninh hàng không như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của nhà chức trách hàng không về tổ chức, vận hành và chỉ đạo hệ thống giám sát, quản lý an toàn hàng không, an ninh hàng không
1. Tổ chức, vận hành hệ thống giám sát bảo đảm an ninh hàng không, an toàn hàng không đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
2. Phê duyệt, chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức, vận hành hệ thống quản lý an toàn hàng không, an ninh hàng không của cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
3. Tổ chức đánh giá, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện quản lý chướng ngại vật hàng không theo quy định của pháp luật.
4. Bổ nhiệm giám sát viên trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, chất lượng dịch vụ hàng không theo tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.
5. Giám sát, chỉ đạo việc chấp hành chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.
Nhà chức trách hàng không có nhiệm vụ, quyền hạn:
+ Tổ chức, vận hành hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, phê duyệt, chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức, vận hành hệ thống quản lý an toàn, an ninh hàng không của cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
+ Tổ chức đánh giá, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không. Bổ nhiệm giám sát viên trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, chất lượng dịch vụ hàng không theo tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. Giám sát, chỉ đạo việc chấp hành chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn