Trường hợp chính quyền xã “gây sức ép” khi dân không thực hiện các nghĩa vụ công dân

Bản Tân Minh thuộc xã X, ở đầu nguồn dòng suối đi qua. Vào mùa mưa lũ, con em trong bản thường xuyên phải nghỉ học do không thể đi qua suối sang trường trung học cơ sở ở bên thị trấn. Vì vậy đến năm 2001, nhân dân trong bản, trong một cuộc họp thôn, đã biểu quyết nhất trí thông qua việc đóng góp xây cầu, người góp cao nhất 5 bao xi măng, người không có tiền thì góp công. Riêng có hộ ông Thuận trong bản, gia đình buôn bán rất khá giả nhưng không đóng góp gì. Đây không phải lần đầu tiên hộ ông Thuận làm thế mà ngay cả việc đóng góp nghĩa vụ lao động công ích gia đình ông Thuận vẫn chưa hoàn thành. Vì vậy, khi con gái ông Thuận lên xã xin chứng nhận vào Sơ yếu lý lịch để đi học nghề trên tỉnh, cán bộ xã yêu cầu ông phải hoàn thành các nghĩa vụ nói trên thì mới chứng nhận và đóng dấu vào hồ sơ. Cán bộ xã xử lý như vậy có đúng không?

Đây là tình huống có liên quan đến phần thực hiện nghĩa vụ công dân theo Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, đồng thời cũng có liên quan đến phạm vi chức trách, quyền hạn của chính quyền xã trong mối quan hệ với người dân - được quy định trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2003 và trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành.

Xử lý đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ đóng góp của ông Thuận

- Thứ nhất, việc ông Thuận không đóng góp xây cầu cùng dân bản là vi phạm nghĩa vụ của cộng đồng, được thông qua tại cuộc họp thôn. Điều 12 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định: “Nhân dân có trách nhiệm chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định đã được trên 50% các hộ gia đình của xã hoặc của thôn nhất trí”.

- Thứ hai, việc hộ ông Thuận không đóng góp nghĩa vụ lao động công ích là hành vi trái pháp luật và phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, trong trường hợp này: cán bộ xã không thể dùng biện pháp “không chứng nhận vào Sơ yếu lý lịch” như là biện pháp xử lý đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ nhà nước và nghĩa vụ cộng đồng của ông Thuận. Pháp luật không có quy định cho phép chính quyền áp dụng biện pháp này. Nếu như hành vi của ông Thuận cấu thành một vi phạm pháp luật, thì phải xử lý hành vi đó theo quy định pháp luật tương ứng (ví dụ: xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ lao động công ích). Hơn nữa, việc không xác nhận vào hồ sơ để đi học (đối với con gái ông Thuận) là vi phạm quyền được học tập, một quyền cơ bản của công dân.

Vì vậy với những sai phạm của ông Thuận, cần áp dụng những biện pháp xử lý luật định chứ không được áp dụng hình thức không phê duyệt vào sơ yếu lí lịch.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào