Thực hiện dân chủ trong triển khai dự án do một đoàn thể chính trị trong xã quản lý

Một dự án hỗ trợ phụ nữ nghèo làm kinh tế gia đình bằng việc chăn nuôi dê đã tài trợ cho Hội Phụ nữ xã X 20 con dê và tiền đầu tư chuồng trại (tổng số vốn được quy thành tiền là trên 50 triệu đồng). Được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân xã, Hội Phụ nữ xã đã thành lập một Ban Quản lý dự án để triển khai công việc này. Tuy nhiên, không hiểu Ban Quản lý dự án bàn bạc thế nào mà sau đó phần lớn số dê và kinh phí được chia “nội bộ”: Bí thư Đảng uỷ xã, Xã Đội trưởng, Phó Chủ tịch xã và Chủ tịch Hội Phụ nữ xã - mỗi người 4 con, tiền chuồng trại chia nhau mỗi người 300.000 đồng. Bức xúc về sự việc trên, ông Thanh, một hội viên của Chi hội Nông dân thôn 3 thuộc xã X tại cuộc họp Chi hội Nông dân đã đề nghị Chi hội Nông dân thôn 3 đứng ra yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã làm rõ các vấn đề khuất tất của dự án do Hội Phụ nữ xã quản lý. Trong trường hợp trên, Chi hội Nông dân và Uỷ ban nhân dân xã X cần giải quyết như thế nào?

Trong tình huống nói trên, Hội Phụ nữ xã X đã được giao làm đầu mối quản lý và triển khai dự án chăn nuôi dê. Mục đích của dự án này là nhằm hỗ trợ phụ nữ nghèo làm kinh tế gia đình. Do đó, có thể thấy việc Ban Quản lý dự án phân bổ số dê là chưa đúng đối tượng, cách thức triển khai dự án chưa thể hiện tính dân chủ. Do bức xúc vì tiêu cực này nên thành viên Chi hội Nông dân đã đề nghị tổ chức của mình đứng ra thực hiện quyền giám sát của dân đối với dự án. Có hai vấn đề pháp lý đặt ra trong tình huống nói trên là:

- Phạm vi thực hiện quyền giám sát của người dân đối với những dự án triển khai trên địa bàn cũng như việc thực hiện giám sát của người dân thông qua các đoàn thể mà họ là thành viên;

- Cách thức thực hiện Quy chế thực hiện dân chủ ở xã trong triển khai dự án do một đoàn thể quần chúng quản lý.

Về quyền giám sát của người dân thông qua đoàn thể chính trị mà họ là thành viên

Trong vụ việc này, cách triển khai dự án của Ban Quản lý dự án thuộc Hội Phụ nữ xã rõ ràng là không dân chủ và có biểu hiện tiêu cực. Với thực tiễn triển khai dự án như vậy, việc ông Thanh, thành viên Chi hội Nông dân phản ánh là hoàn toàn có cơ sở và đáng hoan nghênh vì thể hiện cao trách nhiệm công dân. Do đó, khi ông Thanh đưa vấn đề ra tại cuộc họp của Chi hội Nông dân thôn, Trưởng Chi hội có trách nhiệm ghi nhận lại và đưa ra thảo luận lấy ý kiến các hội viên khác. Nếu thấy phản ánh này là xác đáng thì cần tập hợp thành văn bản báo cáo lên cấp trên là Chủ tịch Hội Nông dân xã để Chủ tịch Hội xử lý bằng các biện pháp luật định như: chất vấn tại Hội đồng nhân dân xã nếu gần kỳ họp; hoặc phản ánh lên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện - nơi xã X trực thuộc (hầu hết những người giữ các chức vụ chủ chốt ở xã đều liên quan đến tiêu cực, nên việc phản ánh tiêu cực có thể gửi lên cấp trên). Cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng xác minh vấn đề mà Hội Nông dân xã phản ánh để kịp thời xử lý tiêu cực, thay thế Ban Quản lý dự án. Với việc xử lý như trên, Hội Nông dân xã đã thực hiện vai trò là một “kênh” để người dân thực hiện quyền giám sát của mình (Điều 3, Điều 24 Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11).

Việc thực hiện dân chủ khi các đoàn thể được giao quản lý dự án

Sau khi xử lý Ban Quản lý dự án cũ, cấp có thẩm quyền cần lập ra Ban Quản lý dự án mới để thu hồi số tài sản nói trên và tiếp tục tổ chức triển khai dự án hỗ trợ người nghèo theo đúng mục tiêu và đối tượng của dự án.

Ban Quản lý dự án có thể bao gồm một đoàn thể khác đứng ra làm trụ cột, cùng sự tham gia của người đại diện cấp đảng và chính quyền - có đủ năng lực và không liên quan đến vụ việc tiêu cực trên. Điều quan trọng là trong quá trình quản lý mới này, Ban Quản lý dự án phải thực hiện tốt dân chủ trong hoạt động triển khai dự án. Cụ thể là:

- Dân chủ trong việc bình xét, lựa chọn đối tượng tham gia dự án.

Ban Quản lý dự án cần công khai các nội dung của dự án như: mục đích dự án, kinh phí hỗ trợ, đối tượng hưởng lợi, quy trình thực hiện, quyền lợi và trách nhiệm của người tham gia dự án... cho các Chi hội Phụ nữ trong xã - đối tượng hưởng lợi được biết.

Căn cứ vào mục đích và phạm vi của dự án thì việc công khai này chỉ cần tiến hành trong phạm vi Hội Phụ nữ chứ không nhất thiết phải toàn dân trong xã, ví dụ: có thể triệu tập cuộc họp Hội Phụ nữ xã - bao gồm tất cả đại diện của các Chi hội Phụ nữ trong xã tham gia. Trong cuộc họp này, Ban Quản lý dự án cần đưa ra thảo luận và bình xét công khai về tiêu chuẩn của dự án: việc đưa dự án về chi hội nào thực hiện - trên cơ sở điều kiện kinh tế, năng lực quản lý của chi hội đó. Kết quả bình xét Chi hội được hưởng dự án cần công bố công khai tại các cuộc họp chính quyền; tại cuộc họp của các đoàn thể khác hay niêm yết nghị quyết tại trụ sở Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã.

- Sau khi thống nhất xác định được Chi hội Phụ nữ sẽ được triển khai dự án, thì Chi hội đó có trách nhiệm thực hiện dân chủ trong việc bình xét và lựa chọn đối tượng cụ thể trực tiếp được tham gia dự án.

Cách làm như sau:

Chi hội triệu tập cuộc họp với tất cả các hội viên trong thôn. Trong cuộc họp, Chi hội trưởng cùng với đại diện Ban Quản lý dự án trình bày về nội dung dự án; sau đó tổ chức cho các hội viên giới thiệu rồi bình xét người đủ tiêu chuẩn hưởng dự án. Cũng trong cuộc họp, cần thảo luận về cách thức quản lý, giám sát số tài sản này, ví dụ: liên kết các chị em đủ tiêu chuẩn nhận tài trợ thành các nhóm, có nhóm trưởng lãnh đạo, sau đó phân công trách nhiệm cho các nhóm viên và giám sát lẫn nhau để làm ăn hiệu quả, tránh các hiện tượng tiêu cực khi nhận dự án như không nuôi gia súc mà bán đi...
Kết quả bình xét cần lập thành văn bản gửi lên Hội Phụ nữ xã và chính quyền xã cũng như Ban Quản lý dự án ở cấp trên (huyện), nếu có theo dõi hoặc để phê duyệt trước khi triển khai.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào