Để được Huy chương Quân kỳ Quyết thắng cần cống hiến bao nhiêu năm?
Cần cống hiến bao nhiêu năm để đạt được Huy chương Quân kỳ Quyết thắng?
Căn cứ Điều 33 Thông tư 151/2018/TT-BQP quy định về “Huy chương Quân kỳ Quyết thắng” như sau:
Thực hiện theo quy định tại Điều 54 Luật Thi đua, khen thưởng và Điều 34 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
“Huy chương Quân kỳ Quyết thắng” để tặng hoặc truy tặng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, công chức, viên chức quốc phòng, đạt được các tiêu chuẩn sau:
1. Có quá trình cống hiến liên tục từ đủ 25 năm trở lên;
2. Trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; không vi phạm một trong các hình thức kỷ luật nghiêm trọng như: Bị kỷ luật khai trừ Đảng; bị kỷ luật buộc thôi việc; bị tước danh hiệu quân nhân, tước quân hàm sĩ quan; bị tòa án kết tội.
Như vậy, để đạt được “Huy chương Quân kỳ Quyết thắng” cần có quá trình cống hiến liên tục từ đủ 25 năm trở lên và thoả mãn các điều kiện khác như quy định pháp luật trên.
Huy chương quân kỳ quyết thắng (Hình từ Internet)
Thời gian, hồ sơ đề nghị khen thưởng Huy chương Quân kỳ Quyết thắng được quy định như thế nào?
Tại Điều 68 Thông tư 151/2018/TT-BQP quy định về thời gian, hồ sơ đề nghị khen thưởng Huy chương Quân kỳ Quyết thắng như sau:
1. Việc xét, đề nghị khen thưởng “Huy chương Quân kỳ Quyết thắng”, “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” được tiến hành mỗi năm 02 đợt. Các đơn vị trình Bộ Quốc phòng trước ngày 15 tháng 3 và ngày 15 tháng 7 hàng năm. Thời gian đề nghị tặng kỷ niệm chương theo hướng dẫn của Tổng cục Chính trị.
2. Hồ sơ đề nghị
Thực hiện theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Hồ sơ đề nghị tặng thưởng huy chương, kỷ niệm chương gồm 01 bộ (bản chính), mỗi bộ có:
a) Tờ trình của thủ trưởng đơn vị cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng;
b) Danh sách trích ngang của cá nhân đề nghị tặng thưởng huy chương, kỷ niệm chương. Danh sách lập riêng theo từng hình thức, mức hạng.
Theo đó, thời gian, hồ sơ đề nghị khen thưởng Huy chương Quân kỳ Quyết thắng được thực hiện theo quy định trên.
Cơ quan nào ra quyết định khen thưởng Huy chương Quân kỳ Quyết thắng?
Căn cứ Điều 56 Thông tư 151/2018/TT-BQP quy định về quy trình ở cấp Bộ Quốc phòng như sau:
1. Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” thành tích trong thời kỳ đổi mới: Cơ quan thường trực Ban Thư ký Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng thẩm định hồ sơ, gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan chức năng; tổng hợp, báo cáo Ban Thư ký và Cơ quan thường trực Hội đồng. Cơ quan thường trực Hội đồng họp cho ý kiến trước khi báo cáo Hội đồng. Hội đồng họp xem xét, bỏ phiếu kín (nếu thành viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản). Căn cứ kết quả phiếu tín nhiệm của Hội đồng, Tổng cục Chính trị xem xét, báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương. Căn cứ kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Khen thưởng Huân chương, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua toàn quân”: Cơ quan thường trực Ban Thư ký Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng thẩm định hồ sơ, gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan chức năng; tổng hợp, tóm tắt thành tích, đề xuất hình thức, mức khen đối với từng trường hợp, gửi văn bản xin ý kiến các thành viên Hội đồng. Căn cứ ý kiến các thành viên Hội đồng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định khen thưởng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ. Đối với các trường hợp xét, đề nghị tặng thưởng “Huân chương Sao vàng”, “Huân chương Hồ Chí Minh”, “Huân chương Độc lập”, “Huân chương Quân công”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, Tổng cục Chính trị báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét. Căn cứ kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ.
3. Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”, “Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng”: Cơ quan thường trực Ban Thư ký Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng tổng hợp danh sách, gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan chức năng; tổng hợp, báo cáo Ban Thư ký và Cơ quan thường trực Hội đồng. Cơ quan thường trực Hội đồng họp, cho ý kiến, đề xuất với Hội đồng. Hội đồng họp xem xét, bỏ phiếu kín (nếu thành viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản). Căn cứ kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Hội đồng, Tổng cục Chính trị báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét. Căn cứ kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định tặng “Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng” và đề nghị tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”.
4. Khen thưởng quá trình cống hiến: Cơ quan thường trực Ban Thư ký Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng thẩm định hồ sơ, tóm tắt thành tích, gửi văn bản xin ý kiến các thành viên Hội đồng. Căn cứ ý kiến của Hội đồng, Tổng cục Chính trị xem xét, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xét, trình Thủ tướng Chính phủ. Đối với các trường hợp đề nghị tặng thưởng “Huân chương Sao vàng”, “Huân chương Hồ Chí Minh”, “Huân chương Độc lập”, “Huân chương Quân công”, Tổng cục Chính trị báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét. Căn cứ kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ.
5. “Huy chương Quân kỳ Quyết thắng”, “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang”; Kỷ niệm chương và “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”: Cục Tuyên huấn thẩm định hồ sơ, tổng hợp, báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định khen thưởng hoặc xét, trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định trên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ ra quyết định khen thưởng hoặc xét, trình Thủ tướng Chính phủ.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo