Bản án dân sự sơ thẩm được sửa chữa, bổ sung như thế nào?
Sửa chữa, bổ sung bản án dân sự sơ thẩm như thế nào?
Sửa chữa, bổ sung bản án dân sự sơ thẩm được quy định như thế nào? Chào mọi người, em có một vấn đề hi vọng được các anh chị tư vấn. Bọn em có học về Pháp luật đại cương, trong đó có một số nội dung liên quan đến tố tụng dân sự. Em có một thắc mắc là: Bản án dân sự sơ thẩm khi đã được tuyên thì có được sửa chữa, bổ sung không? Mong Ban biên tập trả lời giúp em. Em xin cảm ơn!
Trả lời:
Nội dung mà bạn hỏi liên quan tới sửa chữa, bổ sung bản án dân sự sơ thẩm được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015, theo đó:
- Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.
- Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Thẩm phán phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên Hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự nếu bản án đã được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự.
Trường hợp Thẩm phán đã xét xử vụ án đó không còn đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán tại Tòa án đã ra bản án đó thì Chánh án Tòa án thực hiện việc sửa chữa, bổ sung bản án (Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
Bản án dân sự sơ thẩm được sửa chữa, bổ sung như thế nào? (Hình từ Internet)
Thời hạn rút kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm là bao lâu?
Ban biên tập cho tôi hỏi, theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì. Viện kiểm sát được quyền rút quyết định kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm bao lâu kể từ ngày kháng nghị? Mong sớm nhận phản hồi.
Trả lời:
Tại khoản 3 Điều 284 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, có quy định về việc rút kháng cáo, kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm như sau:
- Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã hết.
- Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút kháng nghị.
Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị.
Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.
Như vậy, theo quy định trên thì việc rút kháng nghị của Viện kiểm sát không bị giới hạn về thời gian, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền rút kháng nghị kể cả trong và trước khi xét xử phúc thẩm vụ án dân sự.
Thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm?
Xin chào, tôi là Thanh T. Hiện tại tôi đang tìm hiểu về quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực tố tụng dân sự. Trong quá trình tìm hiểu tôi có thắc mắc đang cần được giải đáp để phục vụ nhu cầu học tập và làm việc của mình. Cho tôi hỏi, theo quy định mới thì thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản pháp luật nào? Mong các bạn giải đáp giúp tôi. Xin cảm ơn!
Trả lời:
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm được quy định cụ thể như sau:
Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.
- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm được quy định cụ thể như sau:
Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài