Công ty nào có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động khi hợp đồng lao động với hai công ty cùng lúc?
Hợp đồng lao động với hai công ty cùng lúc thì công ty nào có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động?
Căn cứ khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Đồng thời, khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 nêu rõ:
1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Theo đó, khi giao kết hợp đồng cùng lúc với 2 công ty thì công ty đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Công ty thứ 2 sẽ trả tiền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trực tiếp vào lương bằng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, nếu bạn đồng thời làm việc và hưởng tiền lương, tiền công từ hai công ty thì bạn chỉ có thể đóng một bảo hiểm xã hội tại nơi bạn giao kết hợp đồng lao động đầu tiên mà không được phép tham gia đóng bảo hiểm xã hội cùng lúc ở nhiều công ty khác nhau. Do đó, việc bạn tham gia đóng bảo hiểm xã hội đồng thời tại cả 2 công ty là không phù hợp với quy định của pháp luật. Số tiền tham gia bảo hiểm xã hội tại công ty thứ 2 sẽ được hoàn trả theo quy định.
Công ty nào có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động khi hợp đồng lao động với hai công ty cùng lúc? (Hình từ Internet)
Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo đó:
1. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được quy định như sau:
a) Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng;
b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.
2. Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và các trường hợp khác tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo quy định này thì việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài