Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất bao nhiêu ngày trước ngày bầu cử?
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức chậm nhất bao nhiêu ngày trước ngày bầu cử?
Tại Điều 39 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định về hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể như sau:
1. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử. Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ nhất gồm Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện trực thuộc. Đại diện Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự hội nghị này.
2. Hội nghị hiệp thương thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3. Biên bản hội nghị hiệp thương phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị và được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh.
Như vậy, theo quy định này thì hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử.
Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất bao nhiêu ngày trước ngày bầu cử? (Hình từ Internet)
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 44 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, theo đó:
1. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử. Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật này.
2. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có). Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo quy định tại Điều 45 của Luật này.
3. Biên bản hội nghị hiệp thương phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị và được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử ở tỉnh.
Theo đó, căn cứ quy định này thì Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tiến hành thực hiện theo quy định nêu trên của pháp luật.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương do cơ quan nào tổ chức?
Theo khoản 1 Điều 48 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương, như sau:
1. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử. Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật này.
Theo quy định này thì Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài