Quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ có Chánh án tòa án nhân dân tối cao mới có quyền, có đúng không?
Chỉ Chánh án tòa án nhân dân tối cao mới có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm?
Chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao mới được quyền kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao theo thủ tục giám đốc thẩm trong vụ án dân sự?
Trả lời:
Căn cứ Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm như sau:
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Như vậy, theo quy định trên không chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao mới có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mà Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền như trên.
Quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ có Chánh án tòa án nhân dân tối cao mới có quyền, có đúng không? (Hình từ Internet)
Việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì Tòa án có xóa tên vụ án đó trong sổ hay không?
Việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì Tòa án có xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý hay không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 215 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau:
1. Tòa án không xóa tên vụ án dân sự bị tạm đình chỉ giải quyết trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số và ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó.
2. Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được gửi tại kho bạc nhà nước và được xử lý khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.
3. Trường hợp tạm đình chỉ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 214 của Bộ luật này thì trước khi tạm đình chỉ, Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án phải có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật này.
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản trả lời. Hết thời hạn này mà cơ quan có thẩm quyền không có văn bản trả lời thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
4. Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án.
Sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại khoản 1 Điều 214 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục trong thời gian ngắn nhất những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết.
5. Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Như vậy, đối với việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự Tòa án không xóa tên vụ án dân sự bị tạm đình chỉ giải quyết trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số những thông tin như trên.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị bản án của Tòa án cấp huyện hay không?
Theo quy định hiện hành về án dân sự thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện hay không?
Trả lời:
Căn cứ khoản 2 Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm như sau:
Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Như vậy, đối với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ theo quy định trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài