Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có thể cần người giám hộ không?
Có thể có người giám hộ cho người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ không?
Được biết người được giám hộ thường là người chưa thành niên, người mất khả năng nhận thức,... Vậy một người bình thường hoàn toàn có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có thể có người giám hộ hay không?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 48 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Như vậy, quy định này cho phép một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ vẫn có thể có người giám hộ cho mình.
Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có thể cần người giám hộ không? (Hình từ Internet)
Người mất năng lực hành vi dân sự có được làm cử tri không?
Người mất năng lực hành vi dân sự có được làm cử tri không? Mong chuyên viên có thể giải đáp thắc mắc giúp tôi. Xin cảm ơn.
Trả lời:
Theo quy định Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 thì mất năng lực hành vi dân sự được quy định như sau:
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Tại Điều 37 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 thì những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như sau:
1. Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
2. Người đang bị khởi tố bị can.
3. Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
4. Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
5. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Từ các quy định trên nếu người đó bị bệnh thần kinh, nếu đã có kết luận của cơ quan chuyên môn về tình trạng bệnh tật và được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sư thì thuộc trường hợp những người không được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử và không có quyền bầu cử.
Nếu trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà người đó được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri để thực hiện quyền bầu cử.
Như vậy, cần xác định tại thời điểm bầu cử đó có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không. Nếu tại thời điểm đó họ bị cơ quan có thẩm quyền xác định mất năng lực hành vi dân sự thì họ không có quyền tham gia bầu cử. Nếu trước khi bỏ phiếu 24 giờ họ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn bị mất thì họ sẽ được tham gia bầu cử như bình thường.
Bố có được bán đất thuộc sở hữu của con bị mất năng lực hành vi dân sự không?
Vợ tôi nhận được thừa kế một mảnh đất từ bố mẹ đẻ. Đầu năm 2019 vợ tôi bị tại nạn qua đời. Vợ chồng tôi có 01 con (21 tuổi) như bị mất năng lực hành vi. Bây giờ tôi muốn bán mảnh đất này có được không? Tôi vừa là người đại diện vừa là giám hộ của con trai tôi.
Trả lời:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hàng thừa kế theo pháp luật thì bạn và con bạn là hàng thừa kế thứ nhất của vợ bạn. Nên con bạn và bạn là đồng sở hữu mảnh đất vợ bạn để lại.
Theo Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc người giám hộ quản lý tài sản của người được giám hộ, cụ thể như sau:
Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Và người giám sát giám hộ là người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ.
Việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ phải được sự đồng ý của người đó. Trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.
Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ.
Như vậy, bạn muốn bán quyền sử dụng đất là vợ bạn để lại thì bạn phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ của con bạn.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài