Con gái có được hưởng di sản bằng con trai không khi chia theo pháp luật?
Khi chia di sản theo pháp luật thì con gái có được hưởng bằng con trai không?
Dạ, cho em hỏi trường hợp người cha chết không để lại di chúc và còn có hai con nhỏ, đứa con trai 8 tuổi và đứa con gái 10 tuổi. Như vậy, về nguyên tắc khi chia di sản thì phần tài sản con gái nhận có được bằng cậu con trai không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Bên cạnh đó, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Do vậy, không phân biệt là con trai hay con gái phần di sản nguyên tắc được chia bằng nhau theo quy định thừa kế theo pháp luật.
Con gái có được hưởng di sản bằng con trai không khi chia theo pháp luật? (Hình từ Internet)
Di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản thì có thể dùng vào việc thờ cúng không?
Theo quy định hiện hành, nếu tất cả di sản của người chết để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản thì có được dùng vào việc thờ cúng không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Như vậy, đối với trường hợp tất cả di sản của người chết để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản thì không được dùng vào việc thờ cúng theo quy định.
Thời hiệu yêu cầu chia di sản đối với xe ô tô là bao nhiêu năm?
Theo quy định pháp luật hiện hành thì thời hiệu yêu cầu chia di sản đối với xe ô tô là bao nhiêu năm?
Trả lời:
Căn cứ Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, vì ô tô là động sản. Do vậy, thời hiệu yêu cầu chia di sản đối với ô tô là 10 năm theo quy định.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài