Thế chấp ngôi nhà đã mua nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu
Theo Điều 342 Bộ luật Dân sự, thế chấp tài sản là việc một bên (gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Nghĩa vụ dân sự được bảo đảm có thể là nghĩa vụ dân sự của chính chủ sở hữu tài sản hoặc là nghĩa vụ dân sự của bên thứ ba đối với bên nhận thế chấp.
Theo quy định trên thì khi vay vốn tại Ngân hàng, A có thể dùng tài sản là ngôi nhà để thế chấp tại Ngân hàng để đảm bảo cho nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, A sẽ không thể tự mình thực hiện thủ tục thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật với tư cách là chủ sở hữu ngôi nhà đó, mà phải có sự đồng ý của B vì B mới chính là chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà.
Sở dĩ nói rằng B là chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà vì: Theo thông tin bạn cung cấp, A đã mua ngôi nhà của B nhưng chưa làm thủ tục mua bán nên ngôi nhà vẫn thuộc quyền sở hữu của B. Theo quy định tại Điều 93 Luật Nhà ở về trình tự, thủ tục trong giao dịch về nhà ở thì các bên phải lập hợp đồng mua bán, phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực. Bên mua nhà ở có trách nhiệm nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo trình tự quy định của pháp luật. Quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng. Như vậy, chủ sở hữu ngôi nhà hiện tại là B chứ không phải là A. Và B có quyền thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để thế chấp ngôi nhà để đảm bảo nghĩa vụ dân sự với bên nhận thế chấp.
Thư Viện Pháp Luật