Nghị quyết của Hội đồng thành viên có còn hiệu lực không khi có yêu cầu của Tòa án hủy bỏ nghị quyết đã thông qua?
Khi có yêu cầu của Tòa án hủy bỏ nghị quyết đã thông qua thì nghị quyết của Hội đồng thành viên có còn hiệu lực không?
Theo Điều 62 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định hiệu lực nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, như sau:
1. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày có hiệu lực được ghi tại nghị quyết, quyết định đó.
2. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua bằng 100% tổng số vốn điều lệ là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả trong trường hợp trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết, quyết định đó không được thực hiện đúng quy định.
3. Trường hợp thành viên, nhóm thành viên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết, quyết định đã được thông qua thì nghị quyết, quyết định đó vẫn có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều này cho đến khi có quyết định hủy bỏ của Tòa án hoặc Trọng tài có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, căn cứ vào quy định này thì khi thành viên hoặc nhóm thành viên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết, quyết định đã được thông qua thì nghị quyết, quyết định đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi có quyết định hủy bỏ của Tòa án hoặc Trọng tài có hiệu lực pháp luật.
Do đó, trường hợp của bạn có một nhóm thành viên yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết, quyết định đã được thông qua thì nghị quyết, quyết định đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi có quyết định hủy bỏ của Tòa án hoặc Trọng tài có hiệu lực pháp luật thì khi đó nghị quyết này của Hội đồng thành viên mới chấm dứt hiệu lực.
Nghị quyết của Hội đồng thành viên có còn hiệu lực không khi có yêu cầu của Tòa án hủy bỏ nghị quyết đã thông qua? (Hình từ Internet)
Miễn nhiệm, cách chức thành viên Hội đồng thành viên trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 94 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định miễn nhiệm, cách chức thành viên Hội đồng thành viên, như sau:
1. Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên bị miễn nhiệm trong trường hợp sau đây:
a) Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại Điều 93 của Luật này;
b) Có đơn xin từ chức và được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận bằng văn bản;
c) Có quyết định điều chuyển, bố trí công việc khác hoặc nghỉ hưu;
d) Không đủ năng lực, trình độ đảm nhận công việc được giao;
đ) Không đủ sức khỏe hoặc không còn uy tín để giữ chức vụ thành viên Hội đồng thành viên.
2. Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên bị cách chức trong trường hợp sau đây:
a) Công ty không hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hằng năm, không bảo toàn và phát triển vốn đầu tư theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu mà không giải trình được nguyên nhân khách quan hoặc giải trình nguyên nhân nhưng không được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận;
b) Bị Tòa án kết án và bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
c) Không trung thực trong thực thi quyền, nghĩa vụ hoặc lạm dụng địa vị, chức vụ, sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; báo cáo không trung thực tình hình tài chính và kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty.
3. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm hoặc cách chức Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định tuyển chọn, bổ nhiệm người khác thay thế.
Như vậy, Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên bị cách chức, miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp được pháp luật quy định nêu trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài