Có bị thu hồi thẻ Hòa giải viên khi bị buộc thôi làm Hòa giải viên không?
Hòa giải viên bị buộc thôi làm Hòa giải viên có bị thu hồi thẻ không?
Tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-TANDTC quy định cấp đổi, cấp lại và thu hồi Thẻ Hòa giải viên như sau:
1. Các trường hợp cấp đổi, cấp lại Thẻ Hòa giải viên
a) Khi thay đổi thông tin cá nhân trong Thẻ Hòa giải viên: Trường hợp có sự thay đổi về thông tin, ngày tháng năm sinh..., Hòa giải viên báo cáo Chánh án Tòa án nơi mình làm việc, cung cấp các giấy tờ, tài liệu hợp pháp chứng minh có sự thay đổi.
b) Các thông tin trong Thẻ Hòa giải viên đã cấp bị sai sót: Hòa giải viên báo cáo Chánh án Tòa án nơi mình làm việc để cấp đổi Thẻ hòa giải viên.
c) Thẻ Hòa giải viên bị mất, bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng:
c1) Trường hợp bị mất: Hòa giải viên phải báo cáo ngay với Chánh án Tòa án nơi mình làm việc và nói rõ lý do, hoàn cảnh bị mất Thẻ, cung cấp các tài liệu kèm theo (nếu có);
c2) Trường hợp Thẻ Hòa giải viên bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng: Hòa giải viên phải báo cáo ngay với Chánh án Tòa án nơi mình làm việc để đề nghị cấp đổi Thẻ Hòa giải viên.
2. Thủ tục đề nghị cấp đổi, cấp lại Thẻ Hòa giải viên
a) Chánh án Tòa án có văn bản báo cáo rõ lý do đề nghị cấp đổi, cấp lại Thẻ Hòa giải viên theo quy định.
b) Tờ khai đề nghị cấp đổi, cấp lại Thẻ Hòa giải viên (theo Mẫu số 10).
c) Nộp lại Thẻ Hòa giải viên cũ để hủy theo quy định.
3. Các trường hợp thu hồi Thẻ Hòa giải viên
a) Hòa giải viên được bổ nhiệm lại, phải nộp lại Thẻ cũ để cấp thẻ mới.
b) Hòa giải viên đã được miễn nhiệm, thôi làm Hòa giải viên.
c) Hòa giải viên bị buộc thôi làm Hòa giải viên.
Như vậy, theo quy định trên thì Hòa giải viên bị buộc thôi làm Hòa giải viên sẽ bị thu hồi thẻ. Trường hợp của bạn thì thẻ Hòa giải viên của bạn sẽ bị thu hồi vì bạn đã bị buộc thôi làm Hòa giải viên.
Có bị thu hồi thẻ Hòa giải viên khi bị buộc thôi làm Hòa giải viên không? (Hình từ Internet)
Hòa giải viên bị buộc thôi làm Hòa giải viên trong trường hợp nào?
Theo khoản 2 Điều 20 Thông tư 04/2020/TT-TANDTC quy định hòa giải viên bị buộc thôi làm Hòa giải viên khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Vi phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
b) Vi phạm về phẩm chất, đạo đức, không còn uy tín để thực hiện nhiệm vụ.
Nếu bạn vi phạm một trong các vấn đề nêu trên thì bạn sẽ bị buộc thôi làm Hòa giải viên.
Quy trình buộc thôi làm Hòa giải viên như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 20 Thông tư 04/2020/TT-TANDTC quy định quy trình buộc thôi làm Hòa giải viên như sau:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng tư vấn xem xét việc buộc thôi làm Hòa giải viên.
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh có văn bản, Hội đồng tư vấn tổ chức họp xem xét và ra nghị quyết buộc thôi làm Hòa giải viên.
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh trình, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định buộc thôi làm Hòa giải viên.
d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định buộc thôi làm Hòa giải viên, đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định đến Hòa giải viên và Tòa án nơi họ làm việc, thông báo công khai trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi họ làm việc; xóa tên trong danh sách Hòa giải viên theo quy định. Đồng thời, gửi Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ) để báo cáo và công bố trên Cổng thông tin điện tử theo quy định.
Buộc thôi làm Hòa giải viên có quy trình như đã nêu trên.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân