Có được thỏa thuận lãi suất cho vay là 5%/tháng không?
Thỏa thuận lãi suất cho vay là 5%/tháng có được không?
Cho tôi hỏi tôi có vay của 1 người quen 300 triệu, lãi suất họ yêu cầu thỏa thuận là 5%/tháng thì có đúng luật không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:
Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Theo quy định nêu trên thì bạn và bên cho vay có thể thỏa thuận về lãi suất, nhưng lãi theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm (tương đương 1.67%/tháng).
Như vậy trường hợp của bạn thỏa thuận lãi suất 5%/tháng là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Có được thỏa thuận lãi suất cho vay là 5%/tháng không? (Hình từ Internet)
Cha mẹ không thỏa thuận xác định dân tộc cho con thì giải quyết thế nào?
Được biết dân tộc của con trẻ là do thỏa thuận của cha mẹ theo dân tộc của cha hoặc mẹ, vậy trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật giải quyết thế nào?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 29 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
Như vậy, luật đã quy định trường hợp cha mẹ đẻ không có thỏa thuận về việc xác định dân tộc cho con thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
Tuy nhiên, trường hợp này chỉ xảy ra trong trường hợp dân tộc của cha, mẹ đẻ khác nhau; trường hợp cha, mẹ đẻ có cần dân tộc thì tất nhiên con cũng có dân tộc đó bởi con sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ.
Có được thỏa thuận lãi suất tiền chậm trả trong thương mại?
Lãi suất chậm trả theo luật thương mại có được thỏa thuận không ạ, nếu được thì mức tối đa là bao nhiêu ạ? Nhờ ad tư vấn giúp em, em cảm ơn!
Trả lời:
Điều 306 Luật Thương mại 2005 quy định về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán như sau:
Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Căn cứ quy định này thì lãi suất nợ quá hạn sẽ căn cứ vào theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả hoặc do các bên thỏa thuận hoặc quy định khác của pháp luật.
Như vậy thì anh/chị có thể thỏa thuận về lãi suất tiền chậm thanh toán. Khi thỏa thuận mức lãi suất, các bên phải căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015 quy định vấn đề này như sau:
Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
Dẫn chiếu đến Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Như vậy, các bên có thể thỏa thuận lãi suất chậm trả nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài