Thủ tục tách hộ theo quy định Luật cư trú được quy định ra sao?
Thủ tục tách hộ theo quy định Luật cư trú được quy định như thế nào?
Tôi được biết khi Luật cư trú 2020 có hiệu lực thì sổ hộ khẩu không còn được sử dụng nữa. Vậy cho hỏi: Nếu tôi làm thủ tục tách hộ thì hồ sơ thủ tục được quy định như thế nào? Và tôi có được cầm trên tay cuốn sổ hộ khẩu nữa không.
Trả lời:
Tại Điều 25 Luật Cư trú 2020 có quy định về thủ tục tách hộ như sau:
Hồ sơ tách hộ:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
- Trường hợp tách hộ sau ly hôn thì hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.
Thủ tục:
- Người đăng ký tách hộ nộp hồ sơ theo quy định nếu trên đến cơ quan đăng ký cư trú (Công an cấp xã hoặc huyện)
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
=> Theo quy định thì khi thực hiện xong thủ tục tách hộ, người được tách hộ sẽ không còn được cấp sổ hộ khẩu nữa mà việc tách hộ sẽ được lưu thông tin trên Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người được tách hộ về việc đã cập nhật thông tin.
Thủ tục tách hộ theo quy định Luật cư trú được quy định ra sao? (Hình từ Internet)
Trường hợp nào thì nơi cư trú của người chưa thành niên sẽ do Tòa án quyết định?
Theo quy định pháp luật hiện hành thì trường hợp nào nơi cư trú của người chưa thành niên sẽ do Tòa án quyết định?
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú 2020 quy định nơi cư trú của người chưa thành niên như sau:
Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định.
Như vậy, nếu trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định theo quy định trên.
Đi ra khỏi nơi cư trú khi đang hưởng án treo có phải khai báo tạm vắng?
Chồng em được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách, do mắc bệnh nên phải lên Hà Nội khám 2 ngày. Không biết có phải đi khai báo với công an xã không ạ?
Trả lời:
Theo điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Luật Cư trú 2020 quy định về khai báo tạm vắng, trong đó:
Công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp sau đây:
Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;
Như vậy, trường hợp chồng chị được hưởng án treo trong thời gian thử thách nếu đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên thì phải khai báo tạm vắng.
Lưu ý: Phải đến khai báo tạm vắng tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú (Công an xã) khi đến khai báo tạm vắng phải nộp đề nghị khai báo tạm vắng và văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý, giáo dục người đó.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân