Khai nhận di sản thừa kế trước khi làm thủ tục sang tên
* Như trường hợp của bạn nêu trên thì việc bạn và chị gái bạn phải làm thủ tục khai nhận di sản trước là cần thiết vì:
-Nhà do cha mẹ bạn đứng tên mà lại không có di chúc. Cha mẹ bạn chỉ có 2 người con là bạn và chị gái bạn ngoài ra không có người thừa kế nào khác. Vậy sau này cha mẹ bạn mất đi mà không có di chúc thì người được nhận di sản thừa kế ngôi nhà của cha mẹ bạn chỉ có thể là bạn và chị gái bạn (Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005) và việc chia di sản thừa kế này phải tuân theo pháp luật
Theo Điều 685 Phân chia di sản theo pháp luật quy định:
1. Khi phân chia di sản nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng, để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra, được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Như vậy, theo khoản 2 Điều 685 thì để có căn cứ khi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản ngôi nhà của bố mẹ bạn để lại cho bạn và chị gái bạn thì cần phải có Văn bản thoả thuận phân chia di sản của bạn và chị gái bạn đã được công chứng.
Luật Công chứng quy định thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, trong đó tại khoản 1 Điều 49 có quy định về công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản như sau: Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản. Trong văn bản thoả thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.
Như vậy, công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản rất quan trọng đối với việc phân chia di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu. Văn bản thoả thuận phân chia di sản được công chứng là cơ sở để làm căn cứ cho việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Quy trình khai nhận di sản tại phòng công chứng như sau:
- Bạn sẽ tới phòng công chứng nộp các giấy tờ sau cho công chứng viên/ cán bộ thụ lý hồ sơ
- Nơi tiếp nhận hồ sơ: Phòng công chứng
- Hồ sơ công chứng gồm các thủ tục sau:
+ Đối với người yêu cầu công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản bao gồm các giấy tờ sau:
1. Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
2. Dự thảo Văn bản thoả thuận phân chia di sản;
3. Bản sao giấy tờ tuỳ thân;
4. Bản sao giấy tờ liên quan đến việc công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản. (Bản sao là bản chụp, bản in, bản đánh máy nhưng có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính không phải chứng thực nhưng khi nộp bản sao người yêu cầu công chứng phải nộp bản chính để đối chiếu).
+ Di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì người yêu cầu công chứng phải xuất trình: (theo khoản 2 Điều 49 Luật Công chứng)
1. Giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
2. Đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình:
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
*Sau khi đã làm xong thủ tục khai nhận di sản thì căn nhà đó chỉ thuộc quyền sở hữu của anh và chị gái, nên anh và chị gái sẽ có quyền định đoạt căn nhà này, trừ trường hợp cả anh và chị gái đồng ý cho vợ anh và chồng của chị gái anh cùng đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì việc định đoạt phải có sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu tài sản. (Điều 223 Bộ luật Dân sự)
Mà theo Điều 219 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về sở hữu chung của vợ chồng có quy định như sau:
1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất.
2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau
4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà án.
Thư Viện Pháp Luật