Có bao nhiêu Thẩm phán trong hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính?
Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính có bao nhiêu Thẩm phán?
Tại Điều 222 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm như sau:
Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 03 Thẩm phán, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 253 của Luật này.
Theo khoản 1 Điều 253 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết theo thủ tục rút gọn bị kháng cáo, kháng nghị như sau:
1. Việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán thực hiện. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán phải mở phiên tòa phúc thẩm.
Như vậy, theo quy định trên thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính sẽ có 3 Thẩm phán nhưng nếu là xét xử phúc thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn thì chỉ cần có 1 Thẩm phán.
Buổi xét xử mà bạn đã tham gia là một phiên tòa xét xử phúc thẩm thông thường không phải theo thủ tục rút gọn nên có 3 Thẩm phán.
Có bao nhiêu Thẩm phán trong hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính? (Hình từ Internet)
Phải hoãn phiên tòa khi Thẩm phán vắng mặt trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hành chính?
Căn cứ Điều 223 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử phúc thẩm và Thư ký phiên tòa như sau:
1. Phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa.
2. Trường hợp có Thẩm phán vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì người này được thay thế Thẩm phán vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án.
3. Trường hợp không có Thẩm phán dự khuyết để thay thế thành viên Hội đồng xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải hoãn phiên tòa.
4. Trường hợp Thư ký phiên tòa vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa mà không có người thay thế thì phải hoãn phiên tòa.
Do đó, trường hợp có Thẩm phán vắng mặt thì sẽ có Thẩm phán dự khuyết thay thế cho Thẩm phán vắng mặt nếu như Thẩm phán đấy tham gia phiên tòa ngay từ đầu. Việc hoãn phiên tòa chỉ xảy ra khi không có Thẩm phán dự khuyết để thay thế cho Thẩm phán vắng mặt.
Có trường hợp nào Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính không cần mở phiên tòa không?
Tại Điều 226 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm không phải mở phiên tòa, không phải triệu tập đương sự như sau:
1. Hội đồng xét xử phúc thẩm không phải mở phiên tòa trong các trường hợp sau đây:
a) Xét kháng cáo, kháng nghị quá hạn;
b) Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 209 của Luật này; xét kháng cáo, kháng nghị về phần án phí;
c) Xét kháng cáo, kháng nghị những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
2. Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Hội đồng xét xử không phải triệu tập đương sự, trừ trường hợp xét kháng cáo quá hạn quy định tại khoản 2 Điều 208 của Luật này hoặc cần nghe ý kiến của họ. Nếu người được triệu tập vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.
Căn cứ khoản 2 Điều 209 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm như sau:
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là họ từ bỏ việc kháng cáo.
Khi nhận biên lai thu tiền tạm ứng án phí của người kháng cáo thì Tòa án phải cấp cho họ giấy xác nhận về việc nhận biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trường hợp sau khi hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo mới nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà không nêu rõ lý do thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án phải có văn bản trình bày lý do chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp này được xử lý theo thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn.
Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính sẽ không cần phải mở phiên tòa xét xử đối với 3 trường hợp được nêu trên.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân