Cần có trình độ đào tạo cử nhân sư phạm mầm non đối với nhân viên trường mầm non không?
Nhân viên trường mầm non cần có trình độ đào tạo cử nhân sư phạm mầm non không?
Tại Điều 26 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT quy định giáo viên, nhân viên như sau:
Giáo viên thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Nhân viên thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Theo Điều 30 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT quy định trình độ chuẩn được đào tạo, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, nhân viên như sau:
1. Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non. Hằng năm, giáo viên tự đánh giá và được nhà trường đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non làm căn cứ xây dựng kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp.
2. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non được quy định tại các văn bản tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp với từng vị trí việc làm của nhân viên theo quy định.
Như vậy, theo quy định trên thì trình độ đào tạo của nhân viên trường mầm non được quy định tại các văn bản tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của từng vị trí việc làm.
Bạn có dự định làm nhân viên trường mầm non thì trình độ đào tạo nó sẽ phụ thuộc vào vị trí việc làm của bạn. Không bắt buộc cần phải có trình độ đào tạo cử nhân sư phạm mầm non thì mới được làm nhân viên trường mầm non.
Cần có trình độ đào tạo cử nhân sư phạm mầm non đối với nhân viên trường mầm non không? (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ của nhân viên trường mầm non bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 28 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT quy định nhiệm vụ của nhân viên như sau:
1. Thực hiện nhiệm vụ được giao theo kế hoạch và sự phân công của Hiệu trưởng.
2. Tùy theo vị trí việc làm, nhân viên thực hiện nhiệm vụ theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của vị trí việc làm đang đảm nhiệm và chấp hành nội quy của nhà trường.
3. Bảo đảm an toàn cho trẻ em trong ăn uống và sinh hoạt tại nhà trường. Tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến ăn uống cho trẻ, bảo đảm không để xảy ra ngộ độc đối với trẻ em.
4. Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của bản thân và nhà trường; đoàn kết, tương trợ giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện quy tắc ứng xử của nhân viên theo quy định.
5. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
6. Thực hiện quy định của nhà trường và các quy định khác của pháp luật.
Khi bạn làm nhân viên trường mầm non bạn sẽ thực hiện những nhiệm vụ được nêu trên.
Nhân viên trường mầm non có những quyền gì?
Tại Điều 29 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT quy định quyền của giáo viên, nhân viên như sau:
1. Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể, được hưởng các quyền lợi về vật chất, tinh thần theo quy định.
2. Được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường; được bảo đảm các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
3. Được hưởng tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
4. Được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được hưởng nguyên lương, phụ cấp theo lương và các chế độ chính sách khác theo quy định khi được cấp có thẩm quyền cử đi học tập, bồi dưỡng.
5. Được khen thưởng, tặng danh hiệu thi đua và các danh hiệu cao quý khác theo quy định.
6. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những quyền của nhân viên trường mầm non.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân