Có thể từ chối khám thai khi gặp bác sĩ nam không?
Khi đi khám thai có thể từ chối khám khi gặp bác sĩ nam không?
Tại Điều 12 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, theo đó:
1. Được từ chối xét nghiệm, sử dụng thuốc, áp dụng thủ thuật hoặc phương pháp điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật này.
2. Được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trái với chỉ định của người hành nghề, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật này.
Như vậy, theo quy định này thì với trường hợp của bạn thì bạn có thể không đồng ý khám thai khi gặp bác sĩ nam và bạn có quyền từ chối khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu việc khám chữa của bác sĩ nam có y tá đi kèm thì bạn vẫn có thể khám chữa bệnh bởi bác sĩ nam đó.
Có thể từ chối khám thai khi gặp bác sĩ nam không? (Hình từ Internet)
Điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh là gì?
Theo Điều 43 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, như sau:
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
b) Có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
c) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng.
2. Trường hợp đăng ký thành lập phòng khám chuyên khoa hoặc bác sỹ gia đình thì ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người đứng đầu cơ sở phải là người hành nghề có bằng cấp chuyên môn phù hợp với loại hình hành nghề.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết điều kiện cấp giấy phép hoạt động quy định tại Điều này đối với từng hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền quản lý.
Theo quy định này thì để được cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh thì cơ sở khám bệnh phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.
Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh gồm những nội dung nào?
Căn cứ Điều 44 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
1. Giấy phép hoạt động được cấp một lần cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 43 của Luật này.
2. Nội dung của giấy phép hoạt động bao gồm:
a) Tên, hình thức tổ chức, địa điểm hoạt động;
b) Phạm vi hoạt động chuyên môn;
c) Thời gian làm việc hằng ngày.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn phải làm thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép hoạt động; trường hợp thay đổi hình thức tổ chức, chia tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc thay đổi địa điểm phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động.
4. Trường hợp giấy phép hoạt động bị mất hoặc bị hư hỏng hoặc bị thu hồi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 của Luật này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp lại giấy phép hoạt động.
5. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành mẫu giấy phép hoạt động.
6. Chính phủ quy định lộ trình cấp giấy phép hoạt động để bảo đảm đến ngày 01 tháng 01 năm 2016, tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước đang hoạt động vào thời điểm Luật này có hiệu lực phải có giấy phép hoạt động.
Theo đó, giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh gồm tên, hình thức tổ chức, địa điểm hoạt động; phạm vi hoạt động chuyên môn và thời gian làm việc hằng ngày.
Trân trọng
Nguyễn Minh Tài