Đối với loại đất cơ sở tôn giáo khác với đất tín ngưỡng như thế nào? Miễn tiền sử dụng đất, khi thu hồi sẽ không được bồi thường?
Đất cơ sở tôn giáo khác với đất tín ngưỡng như thế nào?
Pháp luật quy định thế nào về đất tín ngưỡng và đất cơ sở tôn giáo, vì hai khái niệm này rất dễ nhầm lần?
Trả lời: Căn cứ Điều 159, Điều 160 Luật Đất đai 2013 quy định:
Điều 159. Đất cơ sở tôn giáo
1. Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo.
Điều 160. Đất tín ngưỡng
1. Đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.
2. Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Việc xây dựng, mở rộng các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ của cộng đồng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, có thể thấy sự khác biệt nhất về đối tượng giữa 02 loại đất này bởi đất cơ sở tôn giáo thì bao gồm: Đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo còn đối với đất tín ngưỡng thì bao gồm: Đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.
Đối với loại đất cơ sở tôn giáo khác với đất tín ngưỡng như thế nào? Miễn tiền sử dụng đất, khi thu hồi sẽ không được bồi thường? (Hình từ Internet)
Miễn tiền sử dụng đất, khi thu hồi sẽ không được bồi thường?
Chúng tôi là tổ chức được nhà nước giao đất để trực tiếp sản xuất kinh doanh, tuy nhiên gần đây vì mục đich kinh tế xã hội mà nhà nước thu hồi đất của chúng tôi, và không có quyết định bồi thường, như vậy là đúng hay sai?
Trả lời: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 76 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:
- Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này;
- Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất.
Như vậy, có thể thấy khi tổ chức được nhà nước giao thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn, tức là phía bạn không nộp khoản tiền sử dụng này thì khi thu hồi sẽ không được bồi thường, là đúng theo quy định pháp luật.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền thuê đất tại Việt Nam?
Pháp luật về đất đai hiện tại có giới hạn về đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi thuê đất ở Việt Nam hay không?
Trả lời: Căn cứ điểm đ, điểm e Khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai 2013 quy định về nhà nước cho thuê đất trong trường hợp sau:
- Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê;
- Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp.
Như vậy, có thể thấy đối với người Việt Nam định cư nước ngoài cũng không bị hạn chế khi thuê đất tại Việt Nam.
Trân trọng!
Lê Bảo Y