Trong phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn thì bệnh Lao bò được hiểu như thế nào?
Hiểu như thế nào về bệnh Lao bò trong phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn?
Tại mục 1 Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT có quy định như sau:
1. Giới thiệu về bệnh Lao
1.1. Khái niệm bệnh
a) Bệnh Lao (Tuberculosis) là một bệnh truyền nhiễm mạn tính của nhiều loài động vật và người gây ra do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Khi động vật mắc bệnh, trong phủ tạng thường có những hạt viêm đặc biệt gọi là hạt lao. Vi khuẩn lao có 3 típ như sau:
- Típ gây bệnh lao ở người: Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao ở người nhưng cũng có thể gây bệnh lao cho bò, chó, mèo.
- Típ gây bệnh lao cho bò: Mycobacterium bovis gây bệnh lao cho bò nhưng cũng có thể gây bệnh cho người, lợn, chó, mèo.
- Típ gây bệnh lao cho loài chim: Mycobacterium avium gây bệnh lao cho loài chim nói chung và gia cầm; vi khuẩn cũng có thể gây bệnh cho người và lợn, bò ít mẫn cảm hơn.
b) Sức đề kháng của vi khuẩn: Vi khuẩn có thể sống được 1 tháng trong đờm dãi ẩm, sống được nhiều tuần trong sữa, 6 tháng trong phân gia súc khô. Vi khuẩn mẫn cảm với tia tử ngoại và nhiệt độ; ánh sáng mặt trời tiêu diệt vi khuẩn trong 8 giờ; các chất sát trùng như phoóc-môn 10%, xút 2% và vôi bột dễ dàng tiêu diệt vi khuẩn.
1.2. Nguồn bệnh và đường truyền lây
a) Loài mắc: Trong tự nhiên các loài gia súc, gia cầm, thú rừng, chim trời và người đều mắc bệnh. Tuy nhiên mỗi loài động vật lại mẫn cảm với một trong 03 típ vi khuẩn lao khác nhau: lao người, lao bò và lao gia cầm. Động vật non thường mẫn cảm hơn động vật trưởng thành.
b) Nguồn bệnh: Trong cơ thể động vật mắc bệnh, máu, sữa và các tổ chức bị lao đều có mầm bệnh. Nếu lao ở phổi và đường tiêu hóa, thì nước mũi, nước bọt, phân chứa nhiều mầm bệnh.
c) Đường lây truyền: Bệnh có thể lây trực tiếp từ con ốm sang con khỏe và lây gián tiếp qua các nhân tố trung gian. Thông thường vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các đường sau:
- Đường hô hấp: Vi khuẩn từ cơ thể bệnh bài xuất ra ngoài qua nước bọt do ho, hắt hơi, khạc nhổ... hoặc theo phân. Khi phân và đờm khô, mầm bệnh dính vào hạt bụi lơ lửng trong không khí. Động vật khỏe hít phải sẽ bị lây bệnh.
- Đường tiêu hóa: Phổ biến nhất là bê và lợn. Bê bú sữa mẹ có bệnh lao sẽ bị lây bệnh. Nếu thức ăn, nước uống bị ô nhiễm mầm bệnh, động vật khỏe ăn phải sẽ bị lây bệnh.
Ngoài ra bệnh có thể lấy qua núm nhau, qua đường sinh dục.
1.3. Triệu chứng lâm sàng, bệnh tích
a) Triệu chứng lâm sàng: Lao bò thường thấy ở những thể sau:
- Lao phối: Thể này hay gặp. Biểu hiện rõ nhất là ho, lúc đầu là ho khan, sau ho ướt, ho từng cơn. Con vật thường phát ho khi gõ lồng ngực, bị đuổi chạy, uống nước lạnh, nằm xuống hay đứng lên. Khi ho đờm bắn ra nhưng con vật lại nuốt vào; đờm có thể lẫn mủ, máu; đôi khi thấy máu chảy ra ở lỗ mũi. Bò gầy yếu, lông dựng, da khô, uể oải, ăn ít, thở khó ngày càng tăng. Nghe và gõ vùng phổi có âm đục phân tán, âm bùng hơi và âm ran ướt hay âm kim khí.
- Lao hạch: Thể này khá phổ biến. Nếu lao ở phổi thì hạch cũng bị lao. Hạch bị sưng thành những cục cứng, có khi sờ thấy lổn nhổn. Các hạch hay bị lao là hạch dưới hàm, hạch tuyến nước bọt, hạch trước vai, hạch trước đùi và hạch ruột.
- Lao vú: Tùy mức độ bệnh mà bầu vú hoặc núm vú có thể bị biến dạng. Sờ vào cảm thấy những hạt lao lổn nhổn, hạch vú sưng to, cứng nổi cục. Sản lượng sữa giảm rõ rệt.
- Lao đường tiêu hóa: Phổ biến ở ruột, gan. Gia súc ỉa chảy liên miên, gầy yếu, có chướng hơi nhẹ và rối loạn tiêu hóa.
b) Bệnh tích: thường có 3 dạng: hạt lao, khối tăng sinh thượng bì và đám viêm bã đậu.
- Hạt lao: Tùy theo giai đoạn phát triển của bệnh mà biểu hiện hạt lao khác nhau. Các hạt lao thấy rõ ở phổi, hạch màng treo ruột; lúc đầu hạt nhỏ và cứng gọi là lao hạt kê. Ở phổi có giới hạn rõ, màu xám, khó bóc; nếu hạt nhiều, nắn phổi sẽ có cảm giác như phổi bị trộn cát; cắt có tiếng kêu lạo xạo. Hạt lao này gọi là hạt xám. Các hạt xám lớn dần bằng hạt đậu xanh, hạt ngô, thân bị thoái hóa thành bã đậu màu vàng nên gọi là hạt vàng. Các hạt trên to lên và vỡ ra, những hạt không vỡ thì tổ chức tăng sinh bao bọc lại gọi là hạt xơ.
- Khối tăng sinh thượng bì: Hạt xơ tăng sinh mạnh có khi to bằng hạt dẻ, quả ổi, bị bã đậu hóa hoặc can-xi hóa.
- Đám viêm bã đậu: Ở giai đoạn sau các hạt lao vỡ ra biến tổ chức lao đó thành đám viêm bã đậu, nát, thẩm dịch.
Bệnh Lao (Tuberculosis) là một bệnh truyền nhiễm mạn tính của nhiều loài động vật và người gây ra do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Khi động vật mắc bệnh, trong phủ tạng thường có những hạt viêm đặc biệt gọi là hạt lao. Típ gây bệnh lao cho bò: Mycobacterium bovis gây bệnh lao cho bò nhưng cũng có thể gây bệnh cho người, lợn, chó, mèo.
Trong phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn thì bệnh Lao bò được hiểu như thế nào? (Hình từ Internet)
Chẩn đoán xét nghiệm bệnh Lao bò trong phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn?
Theo mục 5 Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT có quy định như sau:
5. Chẩn đoán xét nghiệm bệnh
5.1. Chẩn đoán bệnh Lao bò bằng phản ứng tiêm nội bì hoặc lấy mẫu bệnh phẩm là các mô nghi ngờ hoặc có bệnh tích với lượng từ 10 g đến 200 g và đựng vào lọ miệng rộng hoặc túi ni lon để gửi xét nghiệm.
5.2. Mẫu bệnh phẩm phải được lấy, bao gói và bảo quản theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01 - 83: 2011/BNNPTNT được ban hành theo Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phải được lấy vô trùng, bảo quản trong điều kiện lạnh từ 2°C đến 8°C và gửi về phòng thử nghiệm nông nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận chậm nhất 24h sau khi lấy mẫu.
5.3. Phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm: Thực hiện theo quy trình chẩn đoán bệnh Lao bò quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8400-10: 2010.
Trân trọng
Nguyễn Minh Tài