Phải tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón đối với người trực tiếp buôn bán phân bón đúng không?
Người trực tiếp buôn bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón có đúng không?
Nghe nói người trực tiếp buôn bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón. Quy định này có đúng không? Và quy định ở văn bản nào?
Trả lời:
Theo điểm c khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt 2018 có quy định:
Người trực tiếp buôn bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.
Như vậy, theo quy định thì tùy trường hợp mà người trực tiếp buôn bán phân bón có phải tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón hay không.
Trường hợp họ đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học thì không cần phải tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón.
Phải tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón đối với người trực tiếp buôn bán phân bón đúng không? (Hình từ Internet)
Có được nhập khẩu phân bón chưa công nhận tại Việt Nam về sử dụng không?
Nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam để bán thì có được không ạ? Xin được hỏi.
Trả lời:
Theo khoản 2 Điều 9 Luật Trồng trọt 2018 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt như sau:
Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón chưa được quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp nhập khẩu phân bón quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này và sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Dẫn chiếu Khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt 2018 quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam phải có Giấy phép nhập khẩu phân bón trong trường hợp sau đây:
- Phân bón để khảo nghiệm;
- Phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;
- Phân bón sử dụng trong dự án của nước ngoài tại Việt Nam;
- Phân bón làm quà tặng, làm hàng mẫu;
- Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;
- Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học;
- Phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón khác;
- Phân bón tạm nhập, tái xuất hoặc phân bón quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; phân bón gửi kho ngoại quan; phân bón nhập khẩu vào khu chế xuất.
Như vậy, nếu bạn muốn nhập khẩu phân bón chưa được quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam thì phải thuộc trường hợp được nêu ở trên hoặc sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định hiện hành.
Quản lý chất lượng phân bón như thế nào?
Xin chào anh chị, xin cho hỏi theo quy định của Luật Trồng trọt năm 2018 thì việc Quản lý chất lượng phân bón được quy định như thế nào? Xin giải đáp giúp tôi.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 45 Luật Trồng trọt 2018 thì Quản lý chất lượng phân bón như sau:
1. Phân bón được quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng phục vụ quản lý nhà nước đối với phân bón phải được chứng nhận lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
3. Việc lấy mẫu phân bón để thử nghiệm chất lượng phục vụ quản lý nhà nước phải do người có Giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón thực hiện.
4. Chính phủ quy định nội dung, thời gian, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón.
Trên đây là quy định về quản lý chất lượng phân bón.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân