Vấn đề cơ chế thu và quản lý học phí, các khoản thu dịch vụ trong hoạt động giáo dục?
Quy định về cơ chế thu và quản lý học phí, các khoản thu dịch vụ trong hoạt động giáo dục?
Ban biên tập cho tôi hỏi cơ chế thu và quản lý học phí, các khoản thu dịch vụ trong hoạt động giáo dục được Luật Giáo dục 2019 quy định như thế nào? Mong phản hồi!
Trả lời: Căn cứ khoản 6 Điều 99 Luật Giáo dục 2019 cơ chế thu và quản lý học phí, các khoản thu dịch vụ trong hoạt động giáo dục được quy định như sau:
- Chính phủ quy định cơ chế thu và quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập;
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cơ chế thu và sử dụng mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học do địa phương quản lý sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua;
- Cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Thực hiện công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, năm học theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung quy định về vấn đề bạn thắc mắc.
Vấn đề cơ chế thu và quản lý học phí, các khoản thu dịch vụ trong hoạt động giáo dục? (Hình từ Internet)
Các mục tiêu kiểm định chất lượng giáo dục?
Tôi đang nghiên cứu về những quy định mới của Luật Giáo dục liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục. Vậy, Ban biên tập cho tôi biết: Mục tiêu kiểm định chất lượng giáo dục được quy định như thế nào? Mong phản hồi!
Trả lời: Căn cứ khoản 1 Điều 110 Luật Giáo dục 2019 Mục tiêu kiểm định chất lượng giáo dục được quy định như sau:
- Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục;
- Xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo trong từng giai đoạn;
- Làm căn cứ để cơ sở giáo dục giải trình với chủ sở hữu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên liên quan và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục;
- Làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo, cho nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
Trên đây là nội dung quy định về vấn đề bạn quan tâm.
Đối tượng và nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục
Luật Giáo dục có hiệu lực rồi. Vậy, theo văn bản mới này thì việc kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện dựa trên những nguyên tắc nào và cơ sở giáo dục nào là đối tượng của việc kiểm định nêu trên? Hỗ trợ tôi nhé!
Trả lời: Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 110 Luật Giáo dục 2019 thì:
Việc kiểm định chất lượng giáo dục phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
- Độc lập, khách quan, đúng pháp luật;
- Trung thực, công khai, minh bạch;
- Bình đẳng, bắt buộc, định kỳ.
Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm:
- Cơ sở giáo dục đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;
- Cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo các trình độ đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Trên đây là nội dung quy định về nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục.
Trân trọng!
Lê Bảo Y