Trong phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn thì bệnh Niu-cát-xơn được hiểu như thế nào?
Hiểu như thế nào về bệnh Niu-cát-xơn trong phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn?
Theo mục 1 Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT có quy định như sau:
1. Giới thiệu về bệnh Niu-cát-xơn
1.1. Khái niệm về bệnh
a) Bệnh Niu-cát-xơn (Newcastle) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở loài gia cầm (gà, các loại chim), ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, bệnh thường ghép với nhiều bệnh gia cầm khác gây ra tỷ lệ chết cao, thiệt hại kinh tế lớn. Bệnh Niu-cát-xơn được phát hiện đầu tiên năm 1926 tại thành phố Newcastle, vùng Đông Bắc nước Anh. Bệnh đã xuất hiện khắp các châu lục trên thế giới trong đó có Việt Nam.
b) Bệnh Niu-cát-xơn do một loài vi rút thuộc giống Avulavirus, họ Paramyxoviridae gây ra. Vi rút gây bệnh Niu-cát-xơn có cấu trúc gen ARN xoắn đơn. Hệ gen của vi rút chứa khoảng 16.000 nu-clê-ô-tít. Vi rút được nhân lên trong tế bào chất của vật chủ.
c) Dựa vào các biểu hiện về triệu chứng lâm sàng, có thể phân loại bệnh Niu-cát-xơn thành 4 thể bệnh chính, bao gồm: thể độc lực cao hướng nội tạng (Viscerotropic velogenic), thể độc lực cao hướng thần kinh (Neurotropic velogenic), thể độc lực trung bình (Mesogenic) và thể độc lực thấp (Lentogenic). Vi rút gây bệnh Niu-cát-xơn độc lực cao có thể gây chết gia cầm trong thời gian ngắn khi gia cầm chưa xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Đàn gia cầm chưa được phòng bệnh bằng vắc-xin thì khi nhiễm bệnh có thể chết đến 100%.
d) Sức đề kháng của vi rút: Vi rút Niu-cát-xơn dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao, ở nhiệt độ 70°C trong 30 phút, 75°C trong 5 phút và 80°C trong vòng 1 phút. Trong môi trường kiềm hoặc a-xít hoặc dưới tác động trực tiếp của ánh sáng mặt trời, vi rút dễ bị phá hủy. Trong điều kiện nhiệt độ thấp, vi rút có thể tồn tại trong thời gian dài tới nhiều tuần trong môi trường hữu cơ như phân, các chất bài tiết hoặc trên lông của gia cầm mắc bệnh. Các loại hóa chất sát trùng thông thường dễ dàng tiêu diệt được vi rút.
1.2. Nguồn bệnh và đường truyền lây
a) Loài mắc: Gà các loại, chim cút.
b) Đường truyền lây
- Lây trực tiếp: Vi rút Niu-cát-xơn thường lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp giữa gia cầm mắc bệnh và gia cầm khỏe mạnh. Vi rút được bài thải qua phân, dịch tiết ở mắt, mũi, miệng hoặc qua hơi thở của gia cầm bệnh.
- Lây gián tiếp: Vi rút có thể lây truyền thông qua xác gia cầm bị bệnh chết, vỏ trứng, dụng cụ chăn nuôi, thức ăn nước uống, chất thải chăn nuôi, ủng hoặc quần áo của người chăn nuôi có mang mầm bệnh.
1.3. Triệu chứng lâm sàng
Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 5 - 6 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 2 - 15 ngày.
Mức độ bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độc lực của chủng vi rút gây bệnh, loài mắc, tuổi, sức đề kháng. Các triệu chứng lâm sàng chủ yếu bao gồm:
a) Thể bệnh nhẹ, thể hô hấp: Thường gặp các triệu chứng như hắt hơi, khó thở, ho, chảy nước mũi, tổ chức vùng mắt và cổ sưng, ỉa chảy, phân có màu trắng xanh hoặc màu trắng;
b) Thể bệnh nặng: Thường gặp các triệu chứng như suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, run cơ, sã cánh, ngoẹo đầu và cổ, quay tròn, liệt chân, liệt toàn thân, giảm đẻ, trứng bị mỏng vỏ, chết đột ngột; tỷ lệ tử vong có thể lên đến 100%.
1.4. Bệnh tích
Viêm túi khí dày đục, viêm và xuất huyết khí quản, có các đám hoại tử ở dạ dày tuyến, ruột và hạch manh tràng; xuất huyết điểm ở dạ dày tuyến, tập trung ở xung quanh lỗ đổ ra của tuyến tiêu hóa; phù, xuất huyết hoặc thoái hóa ống dẫn trứng ở gà đẻ.
Theo đó, Bệnh Niu-cát-xơn (Newcastle) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở loài gia cầm (gà, các loại chim), ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, bệnh thường ghép với nhiều bệnh gia cầm khác gây ra tỷ lệ chết cao, thiệt hại kinh tế lớn. Bệnh Niu-cát-xơn được phát hiện đầu tiên năm 1926 tại thành phố Newcastle, vùng Đông Bắc nước Anh. Bệnh đã xuất hiện khắp các châu lục trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Trong phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn thì bệnh Niu-cát-xơn được hiểu như thế nào? (Hình từ Internet)
Sử dụng vắc-xin phòng bệnh khẩn cấp khi có ổ dịch xảy ra trong phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn?
Theo mục 3 Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT có quy định như sau:
3. Sử dụng vắc-xin phòng bệnh khẩn cấp khi có ổ dịch xảy ra
3.1. Tổ chức sử dụng vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm tại các thôn, ấp, bản nơi xảy ra dịch; đồng thời sử dụng vắc xin bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia cầm tại các thôn, ấp, bản chưa có dịch trong cùng xã và các xã xung quanh tiếp giáp với xã có dịch.
3.2. Huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ tiêm phòng; người trực tiếp tham gia tiêm phòng phải là nhân viên thú y hoặc người đã qua tập huấn về tiêm phòng.
3.3. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn, quản lý, thực hiện và giám sát việc phòng bệnh bằng vắc xin.
Như vậy, khi có ổ dịch xảy ra tổ chức sử dụng vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm tại các thôn, ấp, bản nơi xảy ra dịch; đồng thời sử dụng vắc xin bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia cầm tại các thôn, ấp, bản chưa có dịch trong cùng xã và các xã xung quanh tiếp giáp với xã có dịch.
Huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ tiêm phòng; người trực tiếp tham gia tiêm phòng phải là nhân viên thú y hoặc người đã qua tập huấn về tiêm phòng.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài