Hướng dẫn bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con sau khi đăng ký kết hôn?
Bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con sau khi đăng ký kết hôn được hướng dẫn như thế nào?
Tôi có một đứa con gái trước khai sinh thì bố đi nghĩa vụ không ở nhà nên trong tờ khai sinh không có cha. Vậy giờ tôi muốn cải chính lại cho con tôi có bố thì phải làm thế nào ạ? Trước vợ chồng tôi chưa đăng ký kết hôn nhưng nay chúng tôi đã kết hôn.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, có quy định "con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng” được xác định là cha, mẹ của con.
Vậy nên, nếu cha đã nhận con thì bạn có thể bổ sung tên người cha vào giấy khai sinh của con gái mình. Trước khi bổ sung tên cha vào giấy khai sinh, người cha cần phải làm thủ tục đăng ký việc nhận cha cho con.
Về thủ tục đăng ký nhận cha, con được quy định tại Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này và trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã; hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con gồm các giấy tờ sau đây:
a) Tờ khai nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha - con hoặc quan hệ mẹ - con;
Và Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, có quy định thì:
1. Hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm các giấy tờ sau đây:
a) Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh;
b) Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó;
c) Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha - con, mẹ - con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ. Nếu việc đăng ký lại khai sinh là đúng theo quy định của pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký lại khai sinh như trình tự quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.
Nếu việc đăng ký lại khai sinh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký khai sinh trước đây thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký khai sinh trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký khai sinh trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký khai sinh, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại khai sinh như quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.
Vậy nên, để bổ sung tên cha trong giấy khai sinh cho con gái bạn thì phải làm thủ tục đăng ký việc nhận cha cho con. Sau khi có quyết định công nhận việc nhận cha, con, UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho người con sẽ ghi bổ sung phần khai về cha trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của người con bạn nhé.
Hướng dẫn bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con sau khi đăng ký kết hôn? (Hình từ Internet)
Đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú?
Cháu trai tôi vừa đủ 18 tuổi đã quan hệ luyến ái với người yêu cùng tuổi và có thai. Gia đình tôi cho phép các cháu đi đăng ký kết hôn (ĐKKH) nhưng không được chấp nhận với lời giải thích chưa đủ điều kiện quy định về độ tuổi ĐKKH và gia đình hai bên đã tổ chức "cưới chui" cho hai cháu. Tôi xin hỏi: Việc không cho phép ĐKKH như vậy có đúng không và cháu tôi phải làm gì để làm giấy khai sinh cho con?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về điều kiện kết hôn thì "Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên"... Như vậy cháu trai ông mới đủ 18 tuổi, UBND xã không chấp nhận và giải thích chưa đủ điều kiện về độ tuổi ĐKKH là đúng quy định của pháp luật. Việc tổ chức "cưới chui" của cháu ông được gọi là tảo hôn và đây là hành vi mà pháp luật cấm. Nên cuộc hôn nhân này không hợp pháp được quy định tại Khoản 2, Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình như sau: "Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn; cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi". Điều này cũng có nghĩa là cháu ông không được phép đứng tên trong giấy khai sinh hợp pháp của con đẻ mà chỉ có thể áp dụng hình thức khai sinh cho con ngoài giá thú.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì:
5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
Vì chưa được đăng ký kết hôn và muốn điền đầy đủ thông tin về người cha trong giấy khai sinh (để con mang họ của cha) thì đồng thời với việc đăng ký khai sinh, cháu trai ông cần thực hiện thủ tục nhận con. UBND cấp xã sẽ kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh để ghi tên người cha vào giấy khai sinh. Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì người nhận cha, mẹ, con phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì UBND cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 12 ngày.
Làm thế nào để khai sinh cho con ngoài giá thú được mang họ bố?
Tôi là single mom, vừa sinh con được 3 tháng, dự định làm khai sinh cho con. Tôi và người cũ không có kết hôn gì vì người đàn ông này đã có vợ nhưng thông tin về anh ấy tôi biết rõ, tôi muốn khai sinh cho con có tên bố nó. Mong tổ tư vấn cho tôi biết thủ tục khai sinh cho con ngoài giá thú được mang họ tên của bố!
Trả lời:
Khái niệm con ngoài giá thú không được quy định trong văn bản pháp luật. Hiểu theo nghĩa thông thường, con ngoài giá thú là con sinh ra không trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp.
Căn cứ Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Xác định cha, mẹ như sau:
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Như vậy, con ngoài giá thú được xem là con sinh ra ngoài khoảng thời gian 300 ngày kể từ ngày ly hôn theo quyết định của Tòa án.
Theo thông tin bạn cung cấp thì cháu bé được sinh ra không trong thời kỳ hôn nhân vì hai người không có đăng ký kết hôn với nhau.
Trường hợp 1: Nếu không xác định được người cha, phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống.
Trường hợp 2: Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp với cơ quan đăng ký hộ tịch giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Cụ thể về thủ tục xác nhận cha cho con:
* Thẩm quyền: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con. (Điều 24 Luật Hộ tịch 2014)
* Hồ sơ: tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch (Khoản 1 Điều 25 Luật Hộ tịch 2014)
Xem thêm Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con, như sau:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Lưu ý: trường hợp không đủ điều kiện làm giám định DNA thì có thể làm văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ đứa trẻ làm chứng.
* Thời hạn giải quyết: 03-08 ngày (Khoản 2 Điều 25 Luật Hộ tịch 2014)
* Kết quả thực hiện: Giấy xác nhận quan hệ cha con
Căn cứ Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định như sau:
1. Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con mà một bên có yêu cầu là người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.
2. Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm:
a) Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch;
c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài