Bị phạt bao nhiêu tiền khi xúi giục người khác thực hiện bạo lực gia đình? Có bị đi tù không khi thực hiện hành vi bạo lực?
Xúi giục người khác thực hiện bạo lực gia đình bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 8 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, theo đó:
1. Các hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 2 của Luật này.
2. Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
3. Sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.
4. Trả thù, đe doạ trả thù người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
5. Cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
6. Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật.
7. Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.
Theo Điều 61 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình, theo đó:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cưỡng bức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
Theo đó, khi người bạn nhậu của chồng bạn xúi giục chồng bạn thực hiện hành vi bạo lực gia đình thì người đó có thể bị xử phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng.
Bị phạt bao nhiêu tiền khi xúi giục người khác thực hiện bạo lực gia đình? Có bị đi tù không khi thực hiện hành vi bạo lực? (Hình từ Internet)
Thực hiện hành vi bạo lực với vợ có bị đi tù không?
Căn cứ Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình, cụ thể như sau:
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Như vậy, nếu chồng bạn đánh đập bạn và thường xuyên làm đau đớn về thể xác lẫn tinh thần hoặc đã bị xử bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm thì chồng bạn có thể bị phạt phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình gồm những gì?
Căn cứ Điều 19 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, như sau:
1. Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra, bao gồm:
a) Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình;
b) Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình;
c) Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình;
d) Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân (sau đây gọi là biện pháp cấm tiếp xúc).
2. Người có mặt tại nơi xảy ra bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi bạo lực và khả năng của mình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
3. Thẩm quyền, điều kiện áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự.
4. Việc áp dụng biện pháp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Luật này.
Theo quy định này, khi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra thì các biện pháp nêu trên dùng để ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài