Xử lý như thế nào khi gia súc mắc bệnh Lở mồm long móng?
Gia súc mắc bệnh Lở mồm long móng được xử lý như thế nào?
Tại mục 5 Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định như sau:
5. Xử lý gia súc mắc bệnh
5.1. Gia súc mắc bệnh LMLM được xử lý như sau:
a) Đối với trâu, bò dê, cừu, hươu, nai: Tiêu hủy bắt buộc gia súc chết, gia súc mắc bệnh trong ổ dịch đầu tiên khi mới xuất hiện tại thôn, ấp, bản hoặc gia súc mắc bệnh với típ vi rút LMLM mới hoặc típ vi rút không xuất hiện trên địa bàn trong thời gian 10 năm trở lại đây;
Đối với gia súc không thuộc diện nêu trên thì khuyến khích tiêu hủy; trường hợp không tiêu hủy thì được giết mổ tiêu thụ tại chỗ hoặc đánh dấu và nuôi giữ tại địa phương theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương trên cơ sở thời gian mang trùng của từng loài (02 năm đối với trâu bò, 09 tháng đối với cừu, 04 tháng đối với dê).
b) Đối với lợn: Tiêu hủy bắt buộc toàn bộ số lợn mắc bệnh trong ổ dịch với triệu chứng lâm sàng điển hình để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch, cách ly lợn khỏe mạnh trong cùng đàn với lợn mắc bệnh để theo dõi.
c) Đối với vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh LMLM, thực hiện tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc gia súc mắc bệnh LMLM và xử lý ổ dịch theo quy định.
5.2. Việc xử lý gia súc mắc bệnh phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh LMLM hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận gia súc bị mắc bệnh LMLM.
5.3. Việc xử lý gia súc mắc bệnh theo hướng dẫn tại Phụ lục 06 được ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo đó, gia súc mắc bệnh lở mồm long móng được xử lý như sau:
- Đối với trâu, bò dê, cừu, hươu, nai: Tiêu hủy bắt buộc gia súc chết, gia súc mắc bệnh trong ổ dịch đầu tiên khi mới xuất hiện tại thôn, ấp, bản hoặc gia súc mắc bệnh với típ vi rút LMLM mới hoặc típ vi rút không xuất hiện trên địa bàn trong thời gian 10 năm trở lại đây;
Đối với gia súc không thuộc diện nêu trên thì khuyến khích tiêu hủy; trường hợp không tiêu hủy thì được giết mổ tiêu thụ tại chỗ hoặc đánh dấu và nuôi giữ tại địa phương theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương trên cơ sở thời gian mang trùng của từng loài (02 năm đối với trâu bò, 09 tháng đối với cừu, 04 tháng đối với dê).
- Đối với lợn: Tiêu hủy bắt buộc toàn bộ số lợn mắc bệnh trong ổ dịch với triệu chứng lâm sàng điển hình để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch, cách ly lợn khỏe mạnh trong cùng đàn với lợn mắc bệnh để theo dõi.
- Đối với vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh LMLM, thực hiện tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc gia súc mắc bệnh LMLM và xử lý ổ dịch theo quy định.
Xử lý như thế nào khi gia súc mắc bệnh Lở mồm long móng? (Hình từ Internet)
Chẩn đoán xét nghiệm bệnh với gia súc mắc bệnh Lở mồm long móng như thế nào?
Theo mục 6 Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định:
6. Chẩn đoán xét nghiệm bệnh
6.1. Mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm mầm bệnh là dịch mụn nước, niêm mạc xung quanh mụn nước, biểu mô, máu, mẫu dịch probang.
6.2. Mẫu bệnh phẩm phải được lấy, bao gói và bảo quản theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01 - 83: 2011/BNNPTNT được ban hành theo Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mẫu được giữ trong dung dịch bảo quản, trong điều kiện lạnh khoảng 2°C đến 8°C và chuyển ngay về phòng thử nghiệm nông nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
6.3. Phương pháp xét nghiệm: Thực hiện theo quy trình chẩn đoán bệnh LMLM quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8400-1:2010.
Như vậy, việc chuẩn đoán xét nghiệm bệnh với gia súc mắc bệnh Lở mồm long móng được thực hiện theo quy định nêu trên.
Bệnh Tai xanh (Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn) được giới thiệu như thế nào?
Theo mục 1 Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định:
1. Giới thiệu về bệnh Tai xanh (Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn)
1.1. Khái niệm bệnh
a) Bệnh Tai xanh (Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome - PRRS) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn. Tác nhân gây bệnh Tai xanh là do một loài vi rút PRRS thuộc giống Arterivirus, họ Arteriviridae, bộ Nidovirales, có cấu trúc vỏ bọc dạng chuỗi đơn RNA. Hiện nay, dựa trên việc phân tích cấu trúc gien và kháng nguyên đã xác định được 2 típ: típ I gồm những vi rút thuộc dòng Châu Âu và típ II gồm những vi rút thuộc dòng Bắc Mỹ. Vi rút típ II gây bệnh trầm trọng hơn ở các nước Châu Á. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, vi rút gây bệnh Tai xanh tồn tại dưới hai dạng, dạng cổ điển có độc lực thấp và dạng biến thể có độc lực cao, gây nhiễm và chết nhiều lợn.
b) Sức đề kháng của vi rút: ở điều kiện môi trường có độ pH <5,5 hoặc >6,5 vi rút gần như mất tính gây bệnh; ở nhiệt độ 4°C vi rút tồn tại trong 120 giờ, 20°C tồn tại trong 20 giờ, 37°C tồn tại trong 3 giờ, 56°C tồn tại trong vòng 6 phút; vi rút dễ dàng bị tiêu diệt bởi ánh nắng mặt trời và các hóa chất sát trùng thông thường như: vôi bột, nước vôi 10%, chlorine, phoóc-môn, iodin...
c) Lợn nhiễm bệnh Tai xanh thường bị suy giảm miễn dịch, do đó tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh khác kế phát như Dịch tả lợn, Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, E. coli, Liên cầu khuẩn lợn, Mycoplasma,... từ đó làm chết nhiều lợn bệnh, gây ra những tổn thất lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.
1.2. Nguồn bệnh và đường truyền lây
a) Loài mắc: Lợn thuộc mọi lứa tuổi.
b) Nguồn bệnh: Vi rút có trong dịch mũi, nước bọt, phân, nước tiểu của lợn mắc bệnh hoặc mang trùng và phát tán ra môi trường. Ở lợn mẫn cảm, vi rút có thời gian tồn tại và bài thải ra môi trường tương đối dài: ở lợn mang trùng và không có triệu chứng lâm sàng, vi rút có thể được phát hiện ở nước tiểu trong 14 ngày, ở phân khoảng 28-35 ngày, ở huyết thanh khoảng 21-23 ngày, ở dịch hầu họng khoảng 56-157 ngày, ở tinh dịch sau 92 ngày và đặc biệt ở huyết thanh của lợn bị nhiễm bệnh sau 210 ngày vẫn có thể tìm thấy vi rút.
c) Đường truyền lây
- Lây trực tiếp: Do tiếp xúc giữa lợn khỏe mạnh với lợn mắc bệnh, lợn mang trùng, hoặc phân, nước tiểu, bụi, nước bọt, tinh dịch có mang mầm bệnh;
- Lây gián tiếp: Qua dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển và dụng cụ bảo hộ lao động bị nhiễm vi rút gây bệnh.
1.3. Triệu chứng lâm sàng
Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 40 ngày, thường trong khoảng 14 ngày.
a) Lợn nái giai đoạn cạn sữa: Lợn mắc bệnh biếng ăn hoặc bỏ ăn, sốt trên 40oC, ho và viêm phổi. Thường sảy thai vào giai đoạn cuối, đẻ non, động đực giả, bất dục hoặc chậm động dục trở lại sau khi đẻ;
b) Lợn nái giai đoạn đẻ và nuôi con: Biếng ăn, bỏ ăn, lười uống nước, lờ đờ hoặc hôn mê, mất sữa và viêm vú, đẻ sớm khoảng 2-3 ngày, thai gỗ, lợn con chết ngay sau khi sinh;
c) Lợn đực giống: Biếng ăn, bỏ ăn, sốt trên 40°C, đờ đẫn hoặc hôn mê, giảm hưng phấn, mất tính dục, lượng tinh dịch ít, chất lượng tinh kém và cho lợn con sinh ra nhỏ;
d) Lợn con theo mẹ: Nhiều con chết yểu sau khi sinh, những con sống sót sau có thể trạng gầy yếu, nhanh chóng rơi vào trạng thái tụt đường huyết do không bú được, mắt có dử màu nâu, trên da có vết phồng rộp, tiêu chảy nhiều, tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, chân choãi ra, đi run rẩy;
đ) Lợn con cai sữa và lợn choai: Biếng ăn, bỏ ăn, sốt trên 40°C, ho nhẹ, lông xơ xác; ở một số đàn có thể không có triệu chứng.
1.4. Bệnh tích
Bệnh tích đặc trung nhất là ở phổi: phổi viêm hoại tử và thâm nhiễm đặc trưng bởi những đám chắc, đặc (nhục hóa) trên các thuỳ phổi, cuống phổi chứa nhiều dịch viêm, trên mặt cắt ngang của thùy bệnh lồi ra, khô, thùy bị bệnh có màu xám đỏ. Nhiều trường hợp viêm phế quản phổi hóa mủ ở mặt dưới thùy đỉnh. Ngoài ra, có thể thấy thận xuất huyết đinh ghim, hạch amidan sưng và sung huyết, não sung huyết, hạch màng treo ruột xuất huyết, loét van hồi manh tràng.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài