Thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú có phải đăng trên cổng thông tin điện tử của Tòa án không?
Tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú có phải đăng thông báo trên cổng thông tin điện tử của Tòa án không?
Theo Điều 385 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định công bố thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú như sau:
Công bố thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú
- Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, thông báo này phải được đăng trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.
- Chi phí cho việc đăng, phát thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú do người yêu cầu chịu.
Như vậy, thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú phải đăng trên cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú có phải đăng trên cổng thông tin điện tử của Tòa án không? (Hình từ Internet)
Thuận tình ly hôn mà hòa giải không thành, các bên thay đổi ý kiến thì Tòa án ra quyết định gì?
Căn cứ khoản 5 Điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn như sau:
Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định.
Theo đó, nếu hòa giải không thành và các bên thay đổi ý kiến thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án.
Khi nào được yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công?
Thời điểm được yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công được quy định tại Điều 403 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó:
- Trong quá trình đình công hoặc trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt đình công, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Ngoài ra, đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải có các nội dung chính sau đây:
- Những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 362 của Bộ luật này;
- Tên, địa chỉ của tổ chức lãnh đạo cuộc đình công;
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động nơi tập thể lao động đình công.
Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi bản sao quyết định đình công, quyết định hoặc biên bản hòa giải của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Trong quá trình đình công hoặc trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt đình công, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài