Có thể lập 04 biên bản vi phạm hành chính không?
Biên bản vi phạm hành chính có thể lập 04 bản được không?
Căn cứ khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 sửa đổi Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:
4. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều này.
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Như vậy, biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản. Do đó, căn cứ vào tình hình thực tế có thể lập nhiều hơn 02 bản để thuận lợi cho việc đối chiếu hoặc tránh thất lạc.
Có thể lập 04 biên bản vi phạm hành chính không? (Hình từ Internet)
Mọi trường hợp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập biên bản?
Căn cứ khoản 1 Điều 81 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính như sau:
1. Khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hoá, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và phải có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến; trường hợp người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay trước mặt người bị xử phạt, đại diện tổ chức bị xử phạt hoặc người chứng kiến. Việc niêm phong phải được ghi nhận vào biên bản.
Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang bị tạm giữ, người có thẩm quyền xử phạt thấy tình trạng tang vật, phương tiện có thay đổi so với thời điểm ra quyết định tạm giữ thì phải lập biên bản về những thay đổi này; biên bản phải có chữ ký của người lập biên bản, người có trách nhiệm tạm giữ và người chứng kiến.
Như vậy, có thể thấy tất cả trường hợp khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì bắt buộc phải lập biên bản.
Khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính có cần sự có mặt của chủ nhà không?
Căn cứ khoản 3 Điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi điểm i khoản 73 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và người chứng kiến. Trong trường hợp người chủ nơi bị khám, người thành niên trong gia đình họ vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và ít nhất 01 người chứng kiến.
Như vậy, khi khám nơi cất dấu tang vật vi phạm hành chính không bắt buộc phải có mặt của chủ nhà mà có thể có mặt người thành niên trong gia đình họ và người chứng kiến. Thậm chí cả họ cũng không có mặt thì phải có đại diện chính quyền và ít nhất 01 người chứng kiến.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài