Người lao động bị xử lý kỷ luật khiển trách thì có phải mở cuộc họp để xử lý?
Người lao động bị xử lý kỷ luật khiển trách thì có phải mở cuộc họp để xử lý hay không?
Theo Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động, theo đó:
Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động
Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động tại khoản 6 Điều 122 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản vi phạm và thông báo đến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên, người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa đủ 15 tuổi. Trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì thực hiện thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.
2. Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động như sau:
a) Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động, hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động, bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp;
Theo như trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động thì không phân biệt hình thức xử lý kỷ luật là gì cũng phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục này. Tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động là một thủ tục bắt buộc. Cho nên dù người lao động bị xử lý kỷ luật lao động khiển trách (hình thức xử lý kỷ luật lao động nhẹ nhất) thì cũng phải tiến hành cuộc họp theo quy định.
Người lao động bị xử lý kỷ luật khiển trách thì có phải mở cuộc họp để xử lý? (Hình từ Internet)
Làm thêm giờ thì có bắt buộc phải có sự đồng ý của người lao động?
Tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định sự đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ:
Trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động, các trường hợp khác khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm về các nội dung sau đây:
- Thời gian làm thêm;
- Địa điểm làm thêm;
- Công việc làm thêm.
Và tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019 có quy định làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt:
Làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt
Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật này và người lao động không được từ chối trong trường hợp sau đây:
- Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, khi công ty tổ chức làm thêm giờ thì bắt buộc phải nhận được sự đồng ý của người lao động về các nội dung như thời gian làm thêm, địa điểm làm thêm, công việc làm thêm.
Công ty phải công khai với người lao động những nội dung nào?
Theo khoản 1 Điều 43 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì người sử dụng lao động phải công khai với người lao động những nội dung sau:
- Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;
- Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động;
- Các thỏa ước lao động tập thể mà người sử dụng lao động tham gia;
- Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có);
- Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
- Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động;
- Nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Công ty phải công khai với người lao động về tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động; Các thỏa ước lao động tập thể mà người sử dụng lao động tham gia; Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp;
+ Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động; Nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân