Có cần giao nộp con dấu lại cho cơ quan công an không khi doanh nghiệp Nhà nước bị tạm đình chỉ hoạt động?
Doanh nghiệp Nhà nước bị tạm đình chỉ hoạt động có cần giao nộp con dấu lại cho cơ quan công an không?
Theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 99/2016/NĐ-CP quy định việc giao nộp, thu hồi, hủy con dấu và hủy giá trị sử dụng con dấu, theo đó:
1. Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước có trách nhiệm giao nộp con dấu cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu quy định tại Điều 12 Nghị định này thuộc các trường hợp sau đây:
a) Đăng ký lại mẫu con dấu do con dấu bị biến dạng, mòn, hỏng, thay đổi chất liệu hoặc cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước có sự thay đổi về tổ chức, đổi tên;
b) Có quyết định chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chấm dứt hoạt động, kết thúc nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền;
c) Có quyết định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, giấy đăng ký hoạt động, giấy phép hoạt động của cơ quan có thẩm quyền;
d) Con dấu bị mất được tìm thấy sau khi đã bị hủy giá trị sử dụng con dấu;
đ) Có quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ quan có thẩm quyền;
e) Các trường hợp theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 6 Nghị định này.
Theo đó, doanh nghiệp của bạn khi có quyết định tạm đình chỉ hoạt động của cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp thì doanh nghiệp bạn phải tiến hành giao nộp con dấu lại cho cơ quan công an đã cấp con dấu cho doanh nghiệp.
Có cần giao nộp con dấu lại cho cơ quan công an không khi doanh nghiệp Nhà nước bị tạm đình chỉ hoạt động? (Hình từ Internet)
Không giao nộp lại con dấu cho cơ quan công an bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ khoản 3 Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu, như sau:
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không giao nộp con dấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đăng ký mẫu con dấu;
b) Đóng dấu vào văn bản, giấy tờ chưa có chữ ký của người có thẩm quyền hoặc có chữ ký của người không có thẩm quyền;
c) Mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, mua bán con dấu, tiêu hủy trái phép con dấu; sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động;
d) Sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng;
đ) Cố ý làm biến dạng, sửa chữa nội dung con dấu đã đăng ký;
e) Làm giả Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu;
g) Sử dụng con dấu chưa đăng ký mẫu con dấu;
h) Không nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực về việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Giấy phép hoạt động hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc giao nộp con dấu theo quy định của pháp luật;
i) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.
Theo Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:
Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với cá nhân là 40.000.000 đồng, đối với tổ chức là 80.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Tổ chức quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này bao gồm:
a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp;
b) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
c) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
d) Đơn vị sự nghiệp;
đ) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
e) Tổ hợp tác.
4. Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân.
Như vậy, khi cá nhân không thực hiện việc giao nộp con dấu lại cho cơ quan đã cấp con dấu thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng. Với tổ chức thì mức phạt cho hành vi này sẽ từ 6.000.000 đến 10.000.000 đồng.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài