Quy định về lắp đặt thiết bị nâng trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?
Lắp đặt thiết bị nâng trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng được quy định như thế nào?
Tại tiểu tiết 2.4.1.8 tiết 2.4.1 tiểu mục 2.4 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD lắp đặt thiết bị nâng trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng được quy định như sau:
2.4.1.8.1 Thiết bị nâng cố định được lắp đặt phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Không bị dịch chuyển vị trí do tác động của vật nâng, do rung động hoặc các ảnh hưởng khác;
b) Người vận hành không bị ở trong tình trạng (hoặc vị trí) nguy hiểm do vật nâng, cáp hoặc tang cuốn cáp;
c) Người vận hành có thể quan sát được toàn bộ khu vực hoạt động của thiết bị nâng và khu vực lân cận hoặc có thể liên lạc được với các vị trí nhận hoặc dỡ tải bằng điện thoại, bằng tín hiệu hoặc bằng các phương pháp liên lạc phù hợp khác.
2.4.1.8.2 Khoảng cách thông thủy tối thiểu giữa phần chuyển động của thiết bị nâng hoặc vật nâng được quy định như sau:
a) Đối với các vật cố định ở không gian xung quanh (như tường, cột): 70 cm;
b) Đối với đường dây dẫn điện: Theo quy định của QCVN 01:2020/BCT.
2.4.1.8.3 Phải kiểm tra, tính toán KNCL và ổn định của thiết bị nâng với tải trọng gió tại khu vực lắp đặt thiết bị.
2.4.1.8.4 Không được thay đổi về cấu trúc hoặc sửa chữa bất cứ bộ phận nào của thiết bị nâng mà không được chấp thuận và giám sát bởi người có thẩm quyền. Các thay đổi phải được thử nghiệm hoặc kiểm định an toàn theo quy định (đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ).
CHÚ THÍCH: Người có thẩm quyền là người thiết kế thiết bị nâng hoặc người được giao nhiệm vụ của nhà sản xuất (hoặc cung cấp) hoặc người quản lý máy, thiết bị thi công (hoặc quản lý an toàn) của nhà thầu và người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC) được đào tạo về máy xây dựng.
Thiết bị nâng cố định được lắp đặt không bị dịch chuyển vị trí do tác động của vật nâng, do rung động hoặc các ảnh hưởng khác; Người vận hành không bị ở trong tình trạng (hoặc vị trí) nguy hiểm do vật nâng, cáp hoặc tang cuốn cáp; Người vận hành có thể quan sát được toàn bộ khu vực hoạt động của thiết bị nâng và khu vực lân cận hoặc có thể liên lạc được với các vị trí nhận hoặc dỡ tải bằng điện thoại, bằng tín hiệu hoặc bằng các phương pháp liên lạc phù hợp khác.
Quy định về lắp đặt thiết bị nâng trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào? (Hình từ Internet)
Kiểm tra, thử nghiệm và kiểm định an toàn thiết bị nâng trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?
Tại tiểu tiết 2.4.1.9 tiết 2.4.1 tiểu mục 2.4 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD quy định kiểm tra, thử nghiệm và kiểm định an toàn thiết bị nâng trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như sau:
2.4.1.9.1 Thiết bị nâng, phụ kiện nâng phải được kiểm tra, thử nghiệm hoặc kiểm định an toàn (đối tượng phải kiểm định xem 2.4.1.9.3) vào các thời điểm sau:
a) Trước khi đưa vào sử dụng lần đầu;
b) Sau khi lắp đặt trên công trường;
c) Định kỳ trong quá trình sử dụng (nếu có quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc của nhà sản xuất);
d) Sau khi sửa chữa;
đ) Thay đổi về cấu trúc hoặc vị trí của thiết bị.
2.4.1.9.2 Đối với các thiết bị nâng, phụ kiện nâng không thuộc loại có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ nêu tại điểm c của 2.1.1.5, công việc kiểm tra, thử nghiệm an toàn phải thực hiện theo các quy định sau:
a) Tải trọng thử và các yêu cầu khác theo chỉ dẫn của nhà sản xuất hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
b) Do người được giao nhiệm vụ vận hành hoặc cá nhân có đủ điều kiện hoạt động kiểm định an toàn theo quy định thực hiện dưới sự chứng kiến và giám sát bởi người quản lý máy, thiết bị thi công (hoặc quản lý an toàn) của nhà thầu và người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC).
2.4.1.9.3 Đối với các loại thiết bị nâng và phụ kiện nâng thuộc loại có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ nêu tại điểm c của 2.1.1.5, công việc kiểm định an toàn phải:
a) Tuân thủ đúng nội dung quy định trong quy trình kiểm định do cơ quan có thẩm quyền ban hành;
b) Được thực hiện bởi tổ chức có đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định của pháp luật;
c) Được thực hiện dưới sự chứng kiến, giám sát bởi người quản lý máy, thiết bị thi công (hoặc quản lý an toàn) của nhà thầu và người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC).
2.4.1.9.4 Kết quả kiểm tra, thử nghiệm hoặc kiểm định thiết bị nâng, phụ kiện nâng phải được lập thành biên bản theo mẫu quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Các tài liệu này phải được lập, lưu trữ như một phần hồ sơ của công trình và phải xuất trình khi có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư, người vận hành hoặc đại diện của họ.
Thiết bị nâng, phụ kiện nâng phải được kiểm tra, thử nghiệm hoặc kiểm định an toàn vào trước khi đưa vào sử dụng lần đầu; Sau khi lắp đặt trên công trường; Định kỳ trong quá trình sử dụng (nếu có quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc của nhà sản xuất); Sau khi sửa chữa; Thay đổi về cấu trúc hoặc vị trí của thiết bị.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân