Mọi tài sản góp vốn phải được định giá bằng đồng Việt Nam?
Tài sản góp vốn phải được định giá bằng đồng Việt Nam có đúng không?
Căn cứ khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy muốn góp vốn vào công ty bằng tài sản thì đều phải định giá bằng đồng Việt Nam.
Mọi tài sản góp vốn phải được định giá bằng đồng Việt Nam? (Hình từ Internet)
Có được góp vốn vào công ty tài sản khác với cam kết trước đó hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về góp vốn thành lập công ty như sau:
Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
Như vậy, theo quy định trên thì đối với việc góp vốn vẫn được khác loại tài sản nhưng phải có được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
Chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty?
Căn cứ khoản 3 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về góp vốn thành lập Công ty như sau:
Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này (Tức sau 90 ngày) mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:
- Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
- Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
Như vậy, chưa góp vốn đã cam kết thì đương nhiên sẽ không còn là thành viên của công ty, còn chưa góp đủ vốn thì có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp. Do đó, trường hợp này sẽ không bị tước quyền ra khỏi công ty.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn