Rút tố cáo vẫn phải bồi thường cho người bị tố cáo?
Người tố cáo rút tố cáo vẫn phải bồi thường cho người bị tố cáo?
Căn cứ khoản 4 Điều 33 Luật Tố cáo 2018 có quy định rút tố cáo như sau:
Người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo quy định này thì nếu A rút đơn tố cáo nhưng có căn cứ xác định A lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho B thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho B theo quy định của pháp luật.
Rút tố cáo vẫn phải bồi thường cho người bị tố cáo? (Hình từ Internet)
Người tố cáo có được giữ bí mật cá nhân khi tố cáo không?
Căn cứ khoản 1b Điều 9 Luật Tố cáo 2018 quy định về quyền người tố cáo như sau:
1. Người tố cáo có các quyền sau đây:
a) Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật này;
b) Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác.
Như vậy, khi người tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền tố cáo thì được giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác.
Người dân đi tố cáo thì thời hạn giải quyết tố cáo là mấy ngày?
Căn cứ Điều 30 Luật Tố cáo 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo như sau:
Thời hạn giải quyết tố cáo
Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.
Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.
Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Như vậy, thời hạn giải quyết tố cáo không quá 30 ngày, đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn