Tố cáo giáo viên vi phạm lần 2 ai có quyền giải quyết?
Ai có quyền giải quyết tố cáo giáo viên lần 2?
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Luật Tố cáo 2018 quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền:
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết.
Như vậy, về nguyên tắc, hiệu trưởng trường có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm của giáo viên.
Đồng thời, khoản 1 Điều 37 Luật Tố cáo 2018 quy định việc tố cáo tiếp, giải quyết lại vụ việc tố cáo:
Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng quy định của pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo.
Việc xác định phân cấp thẩm quyền được áp dụng theo khoản 1 Điều 6 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.
Theo đó: Trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.
Kết hợp các quy định trên, trường hợp thực hiện tố cáo tiếp đối với hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của giáo viên cấp 2, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Tố cáo giáo viên vi phạm lần 2 ai có quyền giải quyết? (Hình từ Internet)
Muốn rút tố cáo thì phải rút toàn bộ, có đúng không?
Căn cứ Điều 33 Luật Tố cáo 2018 quy định rút tố cáo như sau:
Rút tố cáo
1. Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.
2. Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật này; trường hợp người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 34 của Luật này. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người tố cáo rút tố cáo thì tố cáo vẫn tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật này. Người đã rút tố cáo không được hưởng quyền và không phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 9 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
3. Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.
Như vậy, bạn hoàn toàn được phép rút một phần tố cáo. Tuy nhiên nếu bạn thấy hành vi người kia vi phạm pháp luật hay có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc như trên thì vụ việc tố cáo vẫn phải được người, cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tố cáo bằng lời nói có được không?
Căn cứ Điều 22 Luật Tố cáo 2018, khoản 2 Điều 23 Luật Tố cáo 2018 quy định về hình thức và tiếp nhận tố cáo như sau:
- Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
- Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Như vậy, bạn hoàn toàn có thể đến ủy ban nhân dân để tố cáo mà không cần văn bản, khi tới đó họ sẽ hướng dẫn bạn viết đơn hoặc ghi lại nội dung mà bạn muốn tố cáo.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn