Diễn viên múa có được bán bản sao cuộc biểu diễn của mình ra công chúng không?
Diễn viên múa có được bán bản sao cuộc biểu diễn của mình ra công chúng không?
Tại Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định quyền của người biểu diễn, theo đó:
Quyền của người biểu diễn
1. Người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.
2. Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
a) Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;
b) Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
3. Quyền tài sản bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
a) Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình;
b) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình;
c) Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;
d) Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
4. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các quyền quy định tại khoản 3 Điều này phải trả tiền thù lao cho người biểu diễn theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận trong trường hợp pháp luật không quy định.
Bạn chỉ là người biểu diễn và không đồng thời là chủ đầu tư nên bạn sẽ không có quyền bán bản sao cuộc biểu diễn của mình ra công chúng mà quyền bán sẽ thuộc về chủ đầu tư cuộc biểu diễn đó.
Diễn viên múa có được bán bản sao cuộc biểu diễn của mình ra công chúng không? (Hình từ Internet)
Phân phối đến công chúng bản sao cuộc biểu diễn mà không xin phép bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 26 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử lý hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn, cụ thể như sau:
Xử lý hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn mà không được phép của chủ sở hữu quyền của người biểu diễn.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao cuộc biểu diễn dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Theo Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định khung phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức, như sau:
Khung phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.
2. Khung phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là khung phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 5; Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân.
3. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.
Khi cá nhân phân phối đến công chúng bản sao cuộc biểu diễn mà không xin phép bị xử phạt thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng, ngoài ra, còn buộc dỡ bỏ bản sao cuộc biểu diễn dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật. Đối với tổ chức thì mức phạt tiền sẽ từ 20.000.000 đến 40.000.000 đồng.
Nguyên đơn có thể chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bằng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không?
Tại khoản 2 Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định nguyên đơn chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bằng một trong các chứng cứ sau đây:
2. Nguyên đơn chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bằng một trong các chứng cứ sau đây:
a) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, văn bằng bảo hộ; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan, Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ;
b) Chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; chứng cứ cần thiết để chứng minh quyền đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng;
c) Bản sao hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong trường hợp quyền sử dụng được chuyển giao theo hợp đồng.
Với quy định này thì khi nguyên đơn muốn chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thì có thể sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài