Có được cấp sổ đỏ đối với đất được sử dụng ổn định từ năm 2003 đến nay không?
Sử dụng đất ổn định từ năm 2003 đến nay có được cấp sổ đỏ không?
Hiện tôi đang có 1 trang trại ở nông khoảng 20 ha, tôi đang canh tác ổn định, thời gian tôi đã sử dụng từ năm 2003 cho tôi đến nay là 19 năm, nhưng tôi chưa sổ đỏ và được biết đất này đã được quy hoạch cho Công ty H. Giờ tôi có được cấp sổ đỏ không?
Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 101 Luật đất đai 2013 quy định điều kiện cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với đất đã sử dụng ổn định trước 01/07/2004 mà không có các giấy tờ theo Điều 100 Luật đất đai 2013. cụ thể như sau:
- Sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp;
- Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch.
Theo thông tin bạn cung cấp thì đất trang trại của bạn hiện nằm trong quy hoạch của nhà nước giao cho Công ty H, vậy nên gia đình bạn không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này.
Không sang tên sổ đỏ khi chuyển nhượng có bị xử phạt không?
Chào ban biên tập, tôi muốn chuyển nhượng cho con tôi một mảnh đất, tuy nhiên tôi không muốn sang tên sổ đỏ vậy có thể bị xử phạt không? Mong nhận được sự phản hồi sớm của chuyên viên. Cảm ơn.
Trả lời:
Khoản 1 Điều 95 Luật đất đai 2013 có quy định:
Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.
Theo Khoản 6 Điều 95 Luật đất đai 2013, trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho có hiệu lực thì phải đăng ký biến động.
Riêng đối với trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.
Nếu quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có hiệu lực hoặc từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế đối với trường hợp thừa kế mà không đăng ký biến động (không sang tên Sổ đỏ) thì bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Khoản 2 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, i, k và 1 khoản 4 Điều 95 của Luật đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đaimà không thực hiện đăng ký biến động;
b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đaimà không thực hiện đăng ký biến động.
Do đó, việc sang tên sổ đỏ khi chuyển nhượng đất là hình thức bắt buộc nếu không sang tên sổ đỏ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đất nông nghiệp tại các xã khác nhau có được gộp chung trên một sổ đỏ?
Vợ chồng tôi được bố mẹ vợ tặng cho một miếng đất trồng lúa ở xã bên. Lâu nay chúng tôi đã sản xuất nông nghiệp. Nay tôi muốn làm thủ tục sang tên cho tôi, tôi cũng muốn được gộp chung một sổ cho dễ quản lý. Vậy cho hỏi đất nông nghiệp của tôi nằm ở hai xã khác nhau như vậy tôi có được gộp chung một sổ không?
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 98 Luật đất đai 2013 có quy định:
Điều 98. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo từng thửa đất.
- Trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì được cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chung cho các thửa đất đó.
Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp người sử dụng đất nông nghiệp tại cùng một xã thì sẽ được cấp chung một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn nếu ở khác xã thì không bạn nhé.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân