Trường hợp nào hợp đồng cộng tác viên có thể là hợp đồng lao động?
Hợp đồng cộng tác viên có thể xem là hợp đồng lao động không?
Câu hỏi: Dạ cho em hỏi có thể xảy ra trường hợp nào mà hợp đồng cộng tác viên lại là hợp đồng lao động không ạ?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng lao động như sau:
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Theo quy định nêu trên, nếu hợp đồng có tên gọi "hợp đồng cộng tác viên" mà có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động. Việc xác định 1 hợp đồng có phải hợp đồng lao động hay không không phụ thuộc vào tên gọi.
Phụ lục hợp đồng lao động thay đổi nơi làm việc thì có hiệu lực không?
Câu hỏi: Trong hợp đồng lao động có quy định rõ địa điểm nơi làm việc của người lao động. Nay người lao động và người sử dụng lao động có thảo thuận thay đổi nơi làm việc nhưng không muốn ký hợp đồng mới mà ký phụ lục hợp đồng lao động thì có được không?
Trả lời:
Tại Điều 22 Bộ luật lao động 2019, có quy định:
- Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
- Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì phụ lục hợp đồng được sửa đổi một số điều khoản của hợp đồng, không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động, còn việc thay đổi nơi làm việc của người lao động thì không sai quy định bạn nhé!
Ai có quyền ký hợp đồng lao động với giám đốc công ty TNHH một thành viên?
Câu hỏi: Công ty chúng tôi là công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu, được tổ chức theo mô hình hội đồng thành viên. Chúng tôi đang làm hợp đồng lao động với giám đốc đồng thời làm người đại diện theo pháp luật của công ty để đóng bảo hiểm cho giám đốc. Xin hỏi luật sư trong trường hợp ký hợp đồng lao động với cương vị giám đốc đồng thời là người đại diện pháp luật thì ai có quyền ký?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 thì:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động của doanh nghiệp.
Theo thông tin anh cung cấp, giám đốc công ty anh đồng thời giữ vị trí người đại diện theo pháp luật của công ty. Do vậy, đây là người có thẩm quyền thay mặt công ty ký kết hợp đồng lao động với người lao động trong công ty.
Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 lại xác định: người đại diện không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, theo quy định này, giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty nên không thể vừa ký hợp đồng lao động nhân danh công ty vừa ký với tư cách người lao động được.
Do đó, trường hợp này, giám đốc có thể ủy quyền cho một người khác ký hợp đồng lao động với mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài