Thủ trưởng cơ quan ban hành kết luận thanh tra trong Công an nhân dân có trách nhiệm như thế nào?
1. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan ban hành kết luận thanh tra trong Công an nhân dân?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 29/2019/TT-BCA trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan ban hành kết luận thanh tra trong Công an nhân dân như sau:
1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra hoặc kể từ ngày nhận được văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm:
a) Xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý trực tiếp; áp dụng các biện pháp theo quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 8 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP;
b) Yêu cầu, kiến nghị đối tượng thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP;
c) Tổ chức việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đối tượng thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong Công an nhân dân trong việc thực hiện kết luận thanh tra và xử lý kịp thời kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra theo quy định tại Chương III Thông tư này.
2. Thanh tra Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công an quyết định, yêu cầu, kiến nghị và tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều này.
2. Trách nhiệm của đối tượng thanh tra và cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong Công an nhân dân?
Theo Điều 6 Thông tư 29/2019/TT-BCA trách nhiệm của đối tượng thanh tra và cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong Công an nhân dân như sau:
1. Sau khi nhận được kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.
2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý sai phạm về hành chính, kinh tế; xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an có hành vi vi phạm; khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý, hoàn thiện chính sách, pháp luật theo quy định tại các Điều 11, 12 và 13 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.
3. Đối tượng thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.
4. Đối tượng thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành về Thanh tra Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.
3. Trách nhiệm của Thủ trưởng Công an quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra trong Công an nhân dân?
Tại Điều 7 Thông tư 29/2019/TT-BCA quy định trách nhiệm của Thủ trưởng Công an quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra trong Công an nhân dân như sau:
1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng Công an quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, xử lý hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra theo quy định tại các Điều 15 và 16 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.
2. Thanh tra Bộ Công an có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn