Trường hợp công ty đang nợ thuế thì có được tạm ngừng kinh doanh?
Đối với công ty đang nợ thuế có được tạm ngừng kinh doanh?
Xin được hỏi luật sư trường hợp công ty bên em đang nợ thuế thì có được tạm ngừng kinh doanh không ạ? Em cảm ơn luật sư.
Trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 thì:
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Theo quy định này, trong trường hợp công ty tạm ngừng kinh doanh, công ty vẫn phải nộp đủ số thuế còn nợ. Tuy nhiên, không có nghĩa là công ty đang nợ thuế thì không được phép tạm ngừng kinh doanh. Theo đó, công ty chỉ cần thông báo trước chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh, đồng thời trong thời gian tạm ngừng kinh doanh thực hiện việc thanh toán nợ thuế là được.
Công ty cổ phần phải có bao nhiêu cổ đông sáng lập?
Em đang dự định cùng một vài người bạn thành lập công ty chuyên về sản xuất phần mềm. Nhờ luật sư làm rõ vấn đề nếu em thành lập công ty loại hình cổ phần thì phải có bắt buộc bao nhiêu cổ đông sáng lập ạ?
Trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 thì:
Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập. Công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập; trường hợp này, Điều lệ công ty trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó.
Theo quy định này, trường hợp sắp tới anh muốn thành lập công ty cổ phần thì khi mới thành lập, công ty anh phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập.
Trường hợp nào một công ty được coi là công ty mẹ?
Trường hợp nào một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác vậy ạ?
Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020 thì một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
- Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
- Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
Như vậy, nếu thuộc vào 1 trong các trường hợp nêu trên thì 1 công ty được xem là công ty mẹ của công ty khác.
Trân trọng!
Lê Bảo Y