Bị xử phạt như thế nào khi công chứng viên vi phạm khi nhận lưu giữ, công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản?
1. Vi phạm của công chứng viên khi nhận lưu giữ, công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản bị xử phạt như thế nào?
Tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 13 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc hoặc không ghi giấy nhận lưu giữ hoặc không giao giấy nhận lưu giữ cho người lập di chúc khi nhận lưu giữ di chúc;
b) Không ghi rõ trong văn bản công chứng việc người yêu cầu công chứng không xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định do người lập di chúc bị đe dọa tính mạng.
2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, khai nhận di sản trong trường hợp thừa kế theo di chúc mà có căn cứ cho rằng di chúc không hợp pháp;
b) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản có nội dung chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng di sản thừa kế là tài sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công chứng di chúc có nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; có hình thức trái quy định của luật;
b) Công chứng di chúc trong trường hợp tại thời điểm công chứng người lập di chúc thể hiện rõ ràng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối hoặc bị đe dọa hoặc bị cưỡng ép; người lập di chúc không đủ độ tuổi lập di chúc theo quy định; việc lập di chúc không có người làm chứng hoặc không được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý theo quy định;
c) Công chứng di chúc trong trường hợp người lập di chúc không tự mình ký hoặc điểm chỉ vào phiếu yêu cầu công chứng;
d) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà không có giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết hoặc người thừa kế đã chết (nếu có); không có di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc; không có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản trong trường hợp thừa kế theo pháp luật;
đ) Công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản trong trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu nhưng người yêu cầu công chứng không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó;
e) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà có căn cứ cho rằng việc để lại di sản hoặc việc hưởng di sản là không đúng pháp luật ngoài trường hợp quy định tại các điểm d và đ khoản này;
g) Công chứng văn bản từ chối nhận di sản trong trường hợp có căn cứ về việc người thừa kế từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác;
h) Công chứng văn bản từ chối nhận di sản mà không có giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết hoặc không có di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc không có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng trong trường hợp thừa kế theo pháp luật.
2. Hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả khi có hành vi vi phạm quy định của công chứng viên khi nhận lưu giữ?
Theo Khoản 4, Khoản 5 Điều 13 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định như sau:
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 3 Điều này.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài