Hồ sơ của công chức tuyển dụng lần đầu bao gồm những gì?
1. Công chức tuyển dụng lần đầu có hồ sơ bao gồm những gì?
Tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 11/2012/TT-BNV quy định xây dựng hồ sơ, thành phần hồ sơ công chức như sau:
Đối với công chức tuyển dụng lần đầu
Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, cơ quan quản lý hồ sơ công chức có trách nhiệm hướng dẫn công chức kê khai, tổ chức thẩm tra, xác minh tính trung thực của các thông tin do công chức tự kê khai, đối chiếu với hồ sơ tuyển dụng và Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp và báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức để xác nhận, đóng dấu và đưa vào hồ sơ quản lý. Đồng thời hướng dẫn công chức hoàn chỉnh các thành phần hồ sơ gốc gồm:
a) Quyển “Lý lịch cán bộ, công chức” là tài liệu chính và bắt buộc có trong thành phần hồ sơ công chức phản ánh toàn diện về bản thân, các mối quan hệ gia đình, xã hội của công chức. Quyển “Lý lịch cán bộ, công chức” do công chức tự kê khai và được cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức thẩm tra, xác minh, chứng nhận;
b) Bản “Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức” là tài liệu quan trọng phản ánh tóm tắt về bản thân công chức, các mối quan hệ gia đình và xã hội của công chức. Sơ yếu lý lịch do công chức tự kê khai hoặc do người có trách nhiệm ghi từ “Quyển lý lịch cán bộ, công chức” quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này và các tài liệu bổ sung khác của công chức được cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức xác minh, chứng nhận. Bản “Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức” theo mẫu 2C-BNV/2008ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức (sau đây viết tắt là Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV);
c) Bản “Tiểu sử tóm tắt” là tài liệu được trích từ Quyển “Lý lịch cán bộ, công chức” quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý công chức tóm tắt, xác nhận và đóng dấu để phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức khi có yêu cầu;
d) Bản sao giấy khai sinh gốc có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, giấy chứng nhận sức khỏe do đơn vị y tế từ cấp huyện trở lên cấp và các loại giấy tờ có liên quan đến trình độ đào tạo của công chức như: bảng điểm, văn bằng, chứng chỉ về trình độ đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng nghiệp vụ phải do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận. Trường hợp, văn bằng chứng chỉ được cấp bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt theo quy định của pháp luật và có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền;
đ) Các quyết định tuyển dụng hoặc xét tuyển, tiếp nhận công chức.
Như vậy, theo quy định trên thì hồ sơ của công chức tuyển dụng lần đầu bao gồm:
- Quyển “Lý lịch cán bộ, công chức”;
- Bản “Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức”;
- Bản “Tiểu sử tóm tắt”;
- Bản sao giấy khai sinh gốc có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, Giấy chứng nhận sức khỏe do đơn vị y tế từ cấp huyện trở lên cấp và các loại giấy tờ có liên quan đến trình độ đào tạo của công chức;
- Các quyết định tuyển dụng hoặc xét tuyển, tiếp nhận công chức.
2. Chứng chỉ ngoại ngữ trong hồ sơ của công chức tuyển dụng lần đầu bằng tiếng nước ngoài thì có cần phải dịch sang tiếng Việt?
Theo Khoản 1 Điều 4 Quyết định 2693/QĐ-BNN-TCCB quy định xây dựng hồ sơ, thành phần hồ sơ như sau:
Đối với người tuyển dụng lần đầu
Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, cơ quan quản lý công chức, viên chức có trách nhiệm hướng dẫn người được tuyển dụng kê khai hồ sơ; thẩm tra; xác minh tính trung thực của các thông tin trong hồ sơ; đối chiếu với hồ sơ tuyển dụng, xác nhận, đóng dấu và đưa vào hồ sơ quản lý.
Thành phần hồ sơ đối với người tuyển dụng lần đầu gồm:
a) Quyển lý lịch do cá nhân tự khai được cơ quan có thẩm quyền quản lý thẩm tra, xác minh và chứng nhận;
b) Bản Sơ yếu lý lịch;
c) Bản sao giấy khai sinh có chứng thực;
d) Giấy khám sức khỏe do đơn vị y tế có thẩm quyền cấp;
đ) Các giấy tờ có liên quan khác: văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm về trình độ đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng... có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp văn bằng chứng chỉ được cấp bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt theo quy định của pháp luật;
e) Quyết định tuyển dụng;
f) Hợp đồng làm việc/Hợp đồng lao động.
Do đó, chứng chỉ ngoại ngữ của bạn là bản tiếng Anh thì phải được dịch sang bản tiếng Việt theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân