Có được nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba không?
Nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba có được hay không?
Tôi là Trần Phúc Lâm, vừa qua, tôi có nhận nhượng quyền thương mại một thương hiệu kinh doanh tại Việt Nam. Việc làm ăn tại cửa hàng của tôi hoạt động rất tốt, tạo ra doanh thu và lợi nhuận rất ổn. Hiện tại, do nhu cầu tôi muốn nhượng quyền lại cho bên thứ ba kinh doanh đối với thương hiệu này thì có được không? Mong các bạn giải đáp!
Trả lời:
Theo quy định hiện hành thì nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Hoạt động nhượng quyền thương mại được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng. Hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Các bên tham gia hợp đồng nhượng quyền thương mại có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về thương mại hiện hành và theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mà không trái với quy định của pháp luật.
Trong đó, Điều 289 Luật Thương mại 2005 quy định: Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền thương mại không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
Ngoài ra, Điều 290 Luật Thương mại 2005 cũng xác định:
"1. Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba (gọi là bên nhận lại quyền) nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
2. Bên nhận lại quyền có các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền quy định tại Điều 288 và Điều 289 của Luật Thương mại 2005."
Căn cứ quy định trên đây thì bên (thương nhân) nhận quyền thương mại được thực hiện nhượng quyền lại cho bên thứ ba (bên nhận lại quyền thương mại) khi có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
Do đó, đối với trường hợp của bạn thì nếu trong hợp đồng nhượng quyền thương mại giữa bạn và bên nhượng quyền không có thỏa thuận về việc bạn có được nhượng quyền lại cho bên thứ ba hay không, thì bạn phải liên hệ với bên nhượng quyền để thỏa thuận và đề nghị họ chấp nhận cho bạn nhượng quyền lại cho bên thứ ba. Trong trường hợp, bên nhượng quyền đồng ý thì bạn phải yêu cầu họ có văn bản chấp thuận cụ thể để làm căn cứ cho các trường hợp có thể xảy ra trong tương lai.
Trên đây là quan điểm giải đáp của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Hợp đồng nhượng quyền thương mại có bắt buộc phải lập thành văn bản hay không?
Tôi có thắc mắc này liên quan đến lĩnh vực nhượng quyền thương mại cần được giải đáp. Đó là trong trường hợp nhượng quyền thương mại thì hợp đồng nhượng quyền thương mại có bắt buộc phải lập thành văn bản hay không?? Rất mong nhận được phản hồi trong thời gian sớm nhất. Xin cảm ơn rất nhiều!
Trả lời:
Theo quy định pháp luật hiện hành thì nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại thì bên nhượng quyền và bên nhận quyền phải lập hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Theo đó, theo quy định tại Điều 285 Luật Thương mại 2005 thì hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam, hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Nội dung của quyền thương mại.
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
- Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
- Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Quyền, nghĩa vụ của thương nhân nhượng quyền thương mại như thế nào?
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại,bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Vậy cho tôi hỏi, theo quy định hiện hành thì quyền, nghĩa vụ của thương nhân nhượng quyền thương mại được quy định như thế nào? Rất mong nhận được phản hồi trong thời gian sớm nhất. Xin cảm ơn rất nhiều!
Trả lời:
Theo quy định pháp luật hiện hành thì về quyền và nghĩa vụ của thương nhân nhượng quyền thương mại trong hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên tự thỏa thuận với nhau.
Tuy nhiên, trường hợp các bên không có thỏa thuận thì theo quy định tại Điều 286 và Điều 287 Luật Thương mại 2005 thì quyền, nghĩa vụ của thương nhân nhượng quyền được quy định cụ thể như sau:
1. Quyền của thương nhân nhượng quyền
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các quyền sau đây:
- Nhận tiền nhượng quyền;
- Tổ chức quảng cáo cho hệ thống nhượng quyền thương mại và mạng lưới nhượng quyền thương mại;
- Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá, dịch vụ.
2. Nghĩa vụ của thương nhân nhượng quyền
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các nghĩa vụ sau đây:
- Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;
- Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;
- Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;
- Đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo