Kết hôn trái pháp luật phải làm sao phân chia tài sản chung?
Phân chia tài sản chung như thế nào khi kết hôn trái pháp luật?
Câu hỏi: Xin chào chuyên viên, tôi vô cùng bối rối với trường hợp của mình, mong được chuyên viên giải đáp: Sau 2 năm kết hôn, thì tôi phát hiện mình là người vợ "thứ 2". Hỏi hắn thì mới biết hắn xin xác nhận tình trạng độc thân ở 2 nơi để lấy 2 vợ. Tôi rất bức xúc, tôi không biết hôn nhân đó có đúng với quy định pháp luật không? nếu tôi và hắn ly hôn thì việc phân chia tài sản chung sẽ được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Theo Khoản 1d Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định một số điều kiện kết hôn như sau:
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Theo Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Theo đó, hôn nhân giữa chị và chồng chị là trái với quy định của pháp luật. Chị có thể viết đơn yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật và giải quyết vấn đề tài sản chung, con chung (nếu có). Trường hợp của chị, khi giải quyết vấn đề tài sản chung và con chung (nếu có) sẽ được giải quyết giống với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Chị ruột có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật không?
Câu hỏi: Chào anh chị. Em có đứa em gái mới kết hôn được 6 tháng. Gần đây hai chị em có tâm sự thì được biết do chồng dọa sẽ đưa quá khứ không tốt đẹp của em gái em cho mọi người biết nên em gái em mới đồng ý kết hôn. Cuộc sống hôn nhân hiện tại không hạnh phúc, phải chịu rất nhiều áp lực tinh thần. Em được biết kết hôn phải do nam nữ tự nguyện, vậy trường hợp này em có thể yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật của em gái em được không. Mong anh chị giải đáp.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, những người sau đây có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật:
- Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
+ Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
+ Hội liên hiệp phụ nữ.
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d Khoản 2 Điều Luật Hôn nhân và gia đình 2014 yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Theo quy định này thì chị ruột lại không có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Bạn có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Ngoài ra, bạn có thể khuyên em gái mình tự làm đơn yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Việc hủy kết hôn trái pháp luật sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý gì?
Câu hỏi: Mọi người hãy giúp tôi giải đáp thắc mắc sau đây: Việc hủy kết hôn trái pháp luật sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý gì? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 12 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật như sau:
- Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
- Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài