Xử phạt hành chính có được giao cho cấp phó ra quyết định không?
1. Có được giao cho cấp phó ra quyết định xử phạt hành chính không?
Tại Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 28 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định giao quyền xử phạt như sau:
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 38; các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 39; các khoản 2, 2a, 3, 3a và 4 Điều 40; các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 41; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 42; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 43; các khoản 2, 3 và 4 Điều 43a; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 44; các khoản 2, 3 và 4 Điều 45; Điều 45a; các khoản 2, 3 và 4 Điều 46; Điều 47; khoản 3 và khoản 4 Điều 48; khoản 2 Điều 48a; các khoản 2, 4 và 5 Điều 49; Điều 51 của Luật này có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
2. Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc, đồng thời với việc giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 119 của Luật này. Việc giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.
3. Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao. Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, theo quy định trên thì nếu thuộc những trường hợp xử phạt hành chính đã được quy định tại các điều luật thì cấp trưởng có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
2. Xử phạt hành chính bằng hình thức phạt cảnh cáo có cần phải lập biên bản không?
Theo Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản như sau:
1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.
Do đó, xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo thì không cần phải lập biên bản.
3. Hồ sơ xử phạt hành chính bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 57 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính như sau:
1. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật này.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.
Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Theo đó, hồ sơ xử lý vi phạm hành chính bao gồm: Biên bản vi phạm hành chính; Quyết định xử phạt hành chính; Các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân