Việc phối hợp khi có bão, áp thấp nhiệt đới của lực lượng Công an nhân dân như thế nào?
1. Phối hợp khi có bão, áp thấp nhiệt đới của lực lượng Công an nhân dân như thế nào?
Tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 05/2021/TT-BCA quy định phối hợp khi có bão, áp thấp nhiệt đới của lực lượng Công an nhân dân như sau:
a) Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và lãnh đạo Bộ Công an đưa ra các biện pháp chung của lực lượng Công an ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới. Trong trường hợp bão có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc trên diện rộng thì tổ chức họp Ban Chỉ đạo để chỉ đạo ứng phó.
b) Công an các địa phương thực hiện nhiệm vụ sau:
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, các lực lượng Công an khác phối hợp với lực lượng Quân đội và đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức giúp dân sơ tán, chằng chống nhà cửa, sắp xếp vị trí neo đậu tàu thuyền, bảo vệ an ninh, trật tự, tham gia cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ các công trình phòng chống lụt, bão theo sự phân công của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương.
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông địa phương triển khai lực lượng bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt. Tổ chức kiểm soát tại các ngầm, tràn, đường bị ngập, bị sạt lở gây ách tắc giao thông, phân luồng, hướng dẫn giao thông để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
2. Phối hợp khi có lũ lớn, lũ quét và sạt lở của lực lượng Công an nhân dân như thế nào?
Tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư 05/2021/TT-BCA quy định phối hợp khi có lũ lớn, lũ quét và sạt lở của lực lượng Công an nhân dân như sau:
a) Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và lãnh đạo Bộ Công an đưa ra các biện pháp chung của lực lượng Công an ứng phó khi có lũ lớn, lũ quét và sạt lở. Tổ chức đoàn công tác đến các địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng để tham mưu công tác ứng phó và khắc phục hậu quả.
b) Công an các địa phương thực hiện nhiệm vụ sau:
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện biện pháp hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn các hoạt động giao thông; triển khai một số lực lượng thường trực tại các bến khách ngang sông và các địa bàn xung yếu.
Tăng cường quân số các lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thực hiện công tác ứng phó với lũ quét, sạt lở; sẵn sàng phương tiện cứu nạn, thông tin liên lạc, vật tư và nhu yếu phẩm thiết yếu sẵn sàng tại các địa bàn xung yếu, vùng có nguy cơ cao, dễ bị chia cắt.
Tổ chức sơ tán đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân: Phối hợp với các lực lượng chức năng khác triển khai việc sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy cơ ngập lũ, lũ quét và sạt lở đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Kịp thời sơ cứu người bị thương và chuyển nhanh đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa; phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương khẩn trương tìm kiếm những người còn mất tích.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn