Xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm trên phương tiện được quy định ra sao?
1. Xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm trên phương tiện được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 14 Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm trên phương tiện và lưu kho bãi như sau:
1. Người xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm theo quy định.
2. Việc xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm phải do người thủ kho, người thuê vận tải hoặc người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát; thuyền trưởng quyết định sơ đồ xếp hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và việc chèn lót, chằng buộc phù hợp tính chất của từng loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một khoang hoặc một hầm hàng của phương tiện.
3. Trường hợp vận chuyển hàng hoá nguy hiểm không quy định phải có người áp tải thì người vận tải phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa theo chỉ dẫn của người thuê vận tải.
4. Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại khu vực cầu cảng, bến, kho riêng biệt.
5. Sau khi đưa hết hàng hóa nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng hóa nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác theo đúng quy trình quy định.
2. Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm có những nội dung gì?
Theo Điều 15 Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định nội dung, mẫu Giấy phép và thời hạn Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm như sau:
1. Nội dung của Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm
a) Tên, địa chỉ, điện thoại liên hệ của đơn vị được cấp giấy phép; họ và tên, chức danh người đại diện theo pháp luật;
b) Loại, nhóm hàng hoá nguy hiểm;
c) Hành trình, lịch trình vận chuyển;
d) Thời hạn của giấy phép.
Đối với trường hợp cấp theo từng chuyến hàng phải có thêm thông tin về phương tiện và người điều khiển phương tiện.
2. Mẫu Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm, báo hiệu nguy hiểm do cơ quan cấp quản lý và phát hành.
3. Thời hạn Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm cấp theo từng chuyến hàng hoặc từng thời kỳ theo đề nghị của đơn vị vận chuyển hàng hóa nguy hiểm nhưng không quá 24 tháng và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện.
3. Quy định về cơ quan cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm?
Tại Điều 16 Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm như sau:
1. Bộ Công an cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4, loại 9 theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này (trừ hóa chất bảo vệ thực vật).
2. Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 5, loại 8 theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm là hoá chất bảo vệ thực vật.
4. Cơ quan cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm căn cứ vào loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này để quyết định tuyến đường vận chuyển và thời gian vận chuyển.
5. Việc cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 7 được thực hiện theo quy định tại Nghị định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.
6. Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển hàng hoá nguy hiểm thuộc một trong các trường hợp sau đây không phải đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm theo quy định tại Nghị định này:
a) Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm là khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.080 ki-lô-gam;
b) Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm là khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 2.250 ki-lô-gam;
c) Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm là nhiên liệu lỏng có tổng dung tích nhỏ hơn 1.500 lít;
d) Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm là hoá chất bảo vệ thực vật có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.000 ki-lô-gam;
đ) Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm đối với các hóa chất độc nguy hiểm còn lại trong các loại, nhóm hàng hoá nguy hiểm.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh