Vợ của bị hại có được làm người giám định trong tố tụng hình sự hay không?
Vợ của bị hại là người giám định trong vụ án hình sự được hay không?
Chồng tôi mới bị tai nạn giao thông, mà tôi lại hiện đang làm tại phòng giám định thương tật của cơ quan Công an. Liệu tôi có thể trở thành người giám định để tham gia tố tụng hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 68 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về các trường hợp không được trở thành người giám định trong tố tụng hình sự như sau:
- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản trong vụ án đó;
- Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
Như vậy, với trường hợp của chị do là vợ của bị hại, nên theo quy định người thân thích sẽ không thể tham gia với tư cách là người giám định để tham gia tố tụng.
Khi thực nghiệm hiện trường phải có đại diện gia đình bị hại?
Tôi thấy một số vụ án hình sự gần đây các cơ quan tố tụng đều tổ chức thực nghiệm hiện trường đã xảy ra vụ án hình sự đó. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi. Theo quy định thì khi thực nghiệm hiện trường vụ án hình sự có bắt buộc phải có gia đình bị hại không? Mong sớm nhận phản hồi.
Trả lời:
Tại Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:
- Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.
Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.
- Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản.
- Điều tra viên chủ trì tiến hành thực nghiệm điều tra và việc thực nghiệm điều tra phải có người chứng kiến.
Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Cơ quan điều tra có thể mời người có chuyên môn tham gia. Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia.
- Trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này.
Như vậy, theo quy định trên thì khi thực hiện trường vụ án hình sự không bắt buộc phải có đại diện gia đình bị hại mà chỉ yêu cầu có Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cùng cấp và có người chứng kiến việc thực nghiệm hiện trường đó.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Người bị hại có được tự đi giám định không?
Vừa qua, trong lúc tôi và gia đình hàng xóm có mâu thuẫn, họ có đánh tôi cháy máu đầu và một số vùng tay, chân. Vì quá bức xúc với hành vi không xem pháp luật ra gì, vì coi thường tính mạng của tôi nên tôi có báo công an. Tôi biết gây thương tích 11% trở lên có thể khởi tố hình sự, theo nhận định của người em làm bác sĩ của tôi thì thương tích của tôi tầm 15%. Tôi dự định tự đi giám định rồi nộp kết quả lên, đó chính là bằng chứng, tuy nhiên tôi chưa được rõ là: Người bị hại có được tự đi giám định không? Ban tư vấn hỗ trợ giúp.
Trả lời:
Tại Điều 210 và Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau:
Điều 210. Giám định bổ sung
1. Việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp:
a) Nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ;
b) Khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó.
2. Việc giám định bổ sung có thể do tổ chức, cá nhân đã giám định hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện.
3. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu.
Điều 211. Giám định lại
1. Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện.
2. Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp.
Dựa theo các quy định trên thì bạn có thể làm đơn yêu cầu trưng cầu giám định gửi lên cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, để có đủ cơ sở cho việc trưng cầu giám định, bạn có thể tự đi giám định sau đó dùng kết quả của làm bằng chứng cho việc yêu cầu giám định của bạn. Cơ quan chức năng sẽ sử dụng kết quả của bạn như một chứng cứ cho việc giám định lại thương tích của bạn và sau khi có kết quả mới thì sẽ được sử dụng là kết luận giám định cho vụ án.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo