Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm thì thời điểm tính thời hiệu khởi kiện ra sao?
Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm thì thời điểm tính thời hiệu khởi kiện như thế nào?
Từ ngày 01-01-2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành), thời điểm tính thời hiệu khởi kiện đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010 (có hiệu lực từ ngày 01-7-2011) được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự hay Luật Kinh doanh bảo hiểm?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 184 và Điều 185 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Điều 429 Bộ luật dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01-01-2017) quy định:
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Theo quy định tại Điều 30 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010 thì:
Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 03 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.
Điều 336 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 thì:
Thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải là 02 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp.
Như vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định khác nhau về thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện. Vì trên thực tế hai thời điểm này không đồng nhất: khi người yêu cầu biết sự kiện pháp lý xảy ra xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ nhưng họ chưa thực hiện quyền khởi kiện ngay mà sẽ thực hiện thỏa thuận, hòa giải, thống nhất cách giải quyết trong một thời gian nhất định. Khi không thống nhất được cách giải quyết thì mới phát sinh tranh chấp.
Trong trường hợp này, Tòa án phải ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành, tức là Luật Kinh doanh bảo hiểm để xác định thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 03 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp, thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải là 02 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp. Bởi vì:
Quy định này không trái với các nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 (nguyên tắc bình đẳng; tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; thiện chí, trung thực; không xâm phạm đến lợi ích chung và của người thứ ba; tự chịu trách nhiệm).
Ngoài ra, còn có các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiện yêu cầu trong các luật chuyên ngành khác thì cũng áp dụng quy định của các luật chuyên ngành này mà không áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự khi xác định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu. Ví dụ: Bộ luật Hàng hải Việt Nam (có hiệu lực kể từ ngày 01.7.2017) có quy định về thời hiệu khởi kiện (Thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa; thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến; thời hiệu khởi kiện về vận chuyển hành khách và hành lý; thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng thuê tàu; thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng đại lý tàu biển, thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải...) thì áp dụng quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam khi xác định thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp liên quan.
Trên đây là nội dung quy định tại Mục 8 Phần IV Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019.
Nộp đơn ở đâu đối với tranh chấp về giao dịch dân sự?
Sau khi đi công tác về thì không thấy xe, khi hỏi ra thì mới biết chồng tôi đã bán xe cho người khác, chỉ làm giấy tay. Vì chiếc xe này là chúng tôi mua trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung nên giờ tôi muốn nộp đơn khởi kiện đến tòa án để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và hoàn trả lại xe thì phải nộp đơn đến tòa án nào? Cảm ơn!
Trả lời:
- Theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA thì giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải:
+ Có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng; hoặc
+ Có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực.
- Mặt khác, tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, do đó khi quyết định bán xe thì phải có sự đồng ý của cả vợ và chồng.
- Theo Bộ luật dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự mua bán xe của chồng bạn đã bị vô hiệu cả về nội dung lẫn hình thức.
- Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp về giao dịch dân sự là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, và tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của bị đơn (Người mua). Lưu ý: Tài sản hoặc đương sự không ở nước ngoài.
Như vậy, theo thông tin bạn cung thì giao dịch dân sự mua bán xe này sẽ vô hiệu, do đó bạn có thể nộp đơn đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người mua xe để yêu cầu hủy hợp đồng do vô hiệu và các bên sẽ hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Hợp đồng ký năm 2003 thì tranh chấp giải quyết theo Luật nào?
Hợp đồng vay tài sản của tôi và anh Sơn ký từ ngày 20/6/2013, với giá trị vay là 10 triệu đồng, không lãi, thời hạn trả là 10/02/2014. Nhưng đến thời hạn trả nợ anh Sơn không trả, nhiều lần có đòi nhưng anh Sơn không trả. Giờ tôi muốn làm đơn khởi kiện ra Tòa yêu cầu Tòa giải quyết. Ban biên tập cho tôi hỏi, nếu kiện tôi có được trả tiền lãi do chậm trả không? Nếu có lãi suất bao nhiêu?
Trả lời:
Căn cứ vào Điểm c Khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự 2015 thì các giao dịch dân sự đã thực hiện xong trước ngày 01/01/2017 mà có tranh chấp thì sẽ áp dụng quy định tại Bộ luật dân sự 2005 để giả quyết tranh chấp đó.
Như vậy, tranh chấp về hợp đồng vay tài sản của bạn và anh Sơn được Tòa án giải quyết theo Bộ luật dân 2005.
Mặt khác Theo Khoản 4 Điều 474 Bộ luật dân sự 2005 quy định lãi suất trên số tiền chậm trả đối với hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn không lãi suất, như sau:
Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
Như vậy, nếu Tòa giải quyết về lãi suất trên, số tiền chậm trả sẽ áp dụng lãi suất mà ngân hàng công bố tại thời điểm trả nợ (ngày 10/02/2014).
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh