Có phải trả lại đất có tranh chấp khi người thứ ba đã sang tên trên sổ đỏ không?
Có phải trả lại đất có tranh chấp khi người thứ ba đã sang tên trên sổ đỏ hay không?
Thưa luật sư. Năm 2009 bố tôi mất có để lại di chúc cho tôi được hưởng toàn bộ quyền sử dụng đất của bố. Đến năm 2017 tôi đã làm thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôi. Đến năm 2018 tôi có chuyển nhượng đất cho người khác, giấy tờ hợp pháp và đã sang tên sổ đỏ, vừa rồi các em tôi quay về tranh chấp đất đai và yêu cầu tuyên bố di chúc bố tôi lập cho tôi vô hiệu. Vậy, trường hợp này bên thứ 3 có phải trả lại đất không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 2 Khoản 3 Điều 133 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.
Như vậy, khi bạn chuyển nhượng đất cho người khác thì bạn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên người đó được xác định là người thứ ba ngay tình. Việc tuyên bố di chúc của bố bạn vô hiệu hay không thì không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng mảnh đất của người thứ 3 này. Bởi đất đai là tài sản phải đăng ký quyền sử dụng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nên sau khi nhận chuyển nhượng mảnh đất của bạn, người đó đã làm thủ tục sang tên sổ đỏ thì giao dịch giữa bạn và người đó không bị vô hiệu.
Không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất?
Xin xác nhận giúp tôi thông tin: Tranh chấp về quyền sử dụng đất sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện phải không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 3 Điều 155 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
Như vậy, khi đề cập đến tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Làm thế nào đối với tranh chấp đất đai anh em chú bác?
Việc là thế này đất đai nhà cửa mình đang ở trước kia là của ông bà để lại cho nội mình và nội mất để lại cho ba mình, hiện nay giấy tờ sở hữu trong sổ đỏ là tên của ba mình, gần đây có một người gọi là anh em chú bác với ba của mình (chứ không phải anh em ruột), kêu ông nội mình bằng bác, họ ở xa, nay họ về đòi chia đất nói là đất của ông bà, hăm dọa đổ máu này nọ, gia đình mình ba mình và các thành viên không ai chịu cả, hiện nay giấy tờ pháp lý sở hữu đứng tên ba mình. Vậy cho mình hỏi người kia họ đòi chia đất chỉ vì lí do đất ông bà thời xưa, nhưng giấy tờ đứng tên ba mình vậy cho mình hỏi có vấn đề gì không ạ, nếu tính theo pháp luật ai đúng ai sai ạ?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây: Không có di chúc.
Và theo Điều 651 Bộ luật này thì:
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, ở đây cần làm rõ nguồn gốc đất và ông bà trước đó có để lại di chúc hay không? Nếu không để lại di chúc thì di sản của ông bà sẽ chia theo pháp luật cho những người thừa kế theo thứ tự từng hàng thừa kế. Nếu không có di chúc thì con sẽ nhận di sản của bố mẹ để lại, chỉ khi không có con và những người trong hàng thừa kế thứ nhất thì mới đến hàng thừa kế sau đó.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh